NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 55)

        Họ hát một bài hát trữ tình, và trong khi tôi ngắm một cách thiếu hứng thú khẩu phần bé nhỏ được mang tên "Gà thiến kiểu quận công Sáclơ" thì tôi nghĩ tới Phượng, lần đầu tiên kể từ khi biết cô được an toàn lành lặn.

        Tôi nhớ lại lúc Pyle ngồi trên mặt đất chờ quân Việt Minh tới, Pyle nói: "Cô ta tươi mát như một bông hoa". Và tôi đã đáp lại bằng một kiểu nói quá trớn: "Hoa khốn khổ, khốn nạn". Và bây giờ cô chẳng còn được xem phong cảnh Hoa Kỳ và không bao giờ được biết những bí mật của lôí chơi bài Canarta nữa. Có lẽ cô không bao giờ được hưởng sự an toàn nữa: với tôi, tôi có gì là kém giá trị so với hai người nằm tại quảng trường? Ðau khổ nhiều không phải là do nhiều người đau khổ: một tấm thân thôi có thể chứa đựng tất cả đau khổ trên thế gian này. Tôi đã phán xét theo kiểu một nhà báo, đánh giá bằng số lượng, và tôi đã phản lại những nguyên tắc của chính tôi; từ nay trở đi tôi cũng đã đứng hẳn về một phía như Pyle, và tôi thấy hình như không có một sự quyết định nào lại đơn giản cả. Nhìn đồng hồ, tôi thấy đã gần mười giờ kém mười lăm. Có lẽ hắn ta vẫn có thể bị công việc giữ lại ở bàn giấy; có lẽ Thượng đế mà hắn tin đã phù hộ hắn, và lúc này hắn đang phải ngồi trước bàn tại Lãnh sự quán, mải miết và chật vật đọc một bức điện viết bằng mật mã; một lát nữa hắn sẽ leo, bốn bậc một, cầu thang lên phòng tôi ở phố Catina. Nếu sự việc xảy ra như thế thì tôi sẽ nói lại tất cả cho hắn biết.

Bỗng nhiên Grand đứng lên, ra khỏi bàn và đi tới gần tôi. hắn không nom thấy cả chiếc ghế ngang đường, vấp phải nó và chống tay vào mép bàn tôi đẻ gượng lại được.

- Ði ra ngoài kia đi, Fowler.

Tôi đặt tiền trả bữa cơm bên cạnh đĩa và đi theo hắn. Tôi không muốn đánh nhau với hắn, nhưng vào lúc này, dù hắn có đánh tôi nhừ tử, tôi cũng mặc kệ. Chúng ta có quá ít những biện pháp để làm vợi cảm giác tội lỗi của mình.

Grand tựa vào thành cầu và từ xa, hai người cảnh sát nhìn hắn.

- Tôi có chuyện cần nói với anh, Fowler, - hắn nói.

Tôi tiến lại đúng tầm tay hắn và chờ đợi. Hắn không làm một cử động nào. Người ta tưởng hắn là một pho tượng tượng trưng cho tất cả những thứ mà tôi tin rằng tôi rất ghét trong cái quốc gia Hoa Kỳ của hắn; hắn cũng có những nét vụng về, vô nghĩa như tượng thần Tự do.

- Anh tưởng tôi say ư? - hắn nói, người vẫn không động đậy. - Anh lầm đấy.

- Có điều gì thế. Grand?

- Tôi cần nói với anh, Fowler. Tối nay tôi không thể ngồi cùng với những tên lính dù kia. Tôi không ưa anh, nhưng vì anh nói tiếng Anh. Một kiểu tiếng Anh nào đó.

Hắn ta vẫn tựa vào thành cầu, to sù và không ra hình thù gì trong bóng đêm, giống như một lục địa chưa được thám hiểm.

- Anh muốn gì?

- Tôi không yêu những người Anh. Tôi không hiểu sao Pyle lại có thể ưa anh được. Có lẽ vì hắn là người Boston. Tôi, ở Piberk và tự hào về điều đó.

- Tại sao lại không tự hào?

- Ðược. Anh bắt đầu rồi đấy! (hắn nhại tôi nhưng không thành công). Các anh nói như chó con sủa vậy. Thế mà lại còn loè bịp đấy. Anh tưởng cái gì anh cũng biết.

- Xin chào, Grand. Tôi có một cuộc hẹn.

- Ðừng bỏ đi, Fowler. Hãy tốt bụng một tí. Tôi không sao chịu được bọn lính dù kia.

- Anh say rồi.

- Tôi chỉ mới uống hai cốc sâm banh thôi. Nhưng ở vào địa vị tôi, anh cũng say thôi: tôi phải ra miền Bắc.

- Thế rồi sao?

-
, TÔI CHƯA NÓI ANH NGHE! Tôi cứ tưởng mọi người đều đã biết. Sáng tôi nhận được một bức điện của vợ.

- Thế ư?

- Con trai tôi mắc bệnh bại liệt trẻ em, nặng lắm.

- Xin chia buồn.

- Ðừng có giả tạo. Có phải con anh đâu.

- Anh sẽ về nước bằng máy bay.

- Không thể về được. Họ muốn có một bài về một cuộc tảo thanh quái quỷ gì ở gần Hà Nội, và Conolive lại ốm (Conolive là người trợ tá của hắn).

- Chia buồn Grand. Tôi có thể làm gì hộ anh?

- Chiều nay là ngày kỷ niệm của cháu. Ðúng mười giờ rưỡi hôm nay, giờ Hoa Kỳ, nó được tám tuổi, bởi thế tôi đã đặt một bữa tiệc có cả sâm banh... đặt trước khi hay tin. Fowler, tôi cần nói chuyện này với một người nào đó mà tôi lại không thể thổ lộ với những tên lính dù kia.

- Thày thuốc hiện nay chữa được bại liệt.

- Nó tàn tật cũng được, Fowler. Miễn là nó sống. Tôi mà tàn tật thì tôi là đồ bỏ đi thôi, nhưng thằng bé thông minh. Anh có biết khi thằng khốn kia hát khúc tình ca thì tôi làm gì không? Tôi cầu nguyện. Tôi nghĩ nếu Thượng đế muốn lấy đi một sinh mạng thì xin lấy đi mạng của tôi.

- Anh tin ở trời ư?

- Muốn tin lắm.

(Còn tiếp)