NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 45)

- Chính vì thế mà tôi không muốn dính vào cái việc này.

- Ðây không phải là việc thuộc lý trí hay công lý. Trong một lúc quá bồng bột, chúng ta bị lôi cuốn rồi sau rút ra không được. Chiến tranh, tình yêu thường người ta cứ đem hai cái đó so sánh nhau. (Cái nhìn buồn bã của hắn chạy qua gian phòng và đọng lại nơi cô gái lại nằm hưởng mọt sự yên tĩnh nhất thời). Tôi mong rằng sự việc chỉ là như thế thôi. Kia là một cô gái phải lựa chọn giữa bên bố và bên mẹ số phận cô ra sao khi cái sân bay này bị mất? Nước Pháp chỉ là một nửa Tổ quốc của cô ta.

- Sân bay có sắp bị mất không?

- Anh là một nhà báo. Anh hiểu hơn tôi rằng không thể chiến thắng được. Anh hiểu rằng con đường đi Hà Nội đêm nào cũng bị cắt và cài mìn. Anh hiểu rằng mỗi năm chúng tôi mất đứt một khóa sĩ quan đào tạo ở Sansia. Ðáng lẽ thua từ năm 1950 rồi đấy. Dlat chỉ vớt vát thêm được hai năm, thế thôi. Nhưng chúng tôi là lính nhà nghề, và chúng tôi phải đánh nhau cho tới khi những nhà chính trị bảo chúng tôi ngừng. Lúc đó, chắc hai bên họp lại để định những điều kiện giống hệt như những điều kiện mà chúng tôi đáng lẽ đạt được ngay từ đầu, và điều đó khiến cho những năm chiến đấu này trở thành cực kỳ vô nghĩa. Cái bộ mặt xấu xí của hắn, khi ném bom đã nháy mắt cho tôi, nay mang một vẻ tàn ác của nhà nghề và giống như một mặt nạ mà ngày lễ Noel trẻ con thường đeo chỉ để hở đôi mắt nhìn anh. Anh không thể hiểu nổi sự phi lý đó. Fowler, anh không phải cùng cánh với chúng tôi.

- Trong đời cũng có những việc khác khiến cho những năm cố gắng trở thành công toi.

Hắn để tay lên đùi tôi, như để bảo vệ cho tôi như hắn là người anh của tôi vậy.

- Tối nay rủ cô kia đi, còn hơn là hút thuốc.

- Tại sao anh biết cô ta sẽ đi?

- Tôi đã ngủ với cô ta, trung uý Peranh cũng vậy. Năm trăm tờ.

- Ðắt.

- Ba trăm chắc cũng đi thôi, nhưng trong lúc này chẳng buồn mà cả làm gì.

Tôi theo lời khuyên của anh ta, nhưng thấy không đạt được sự thành cộng nào. Thân thể con người chỉ có thể làm được một số hành động có hạn, mà thân tôi thì đã bị kỷ niệm làm cho thành nguội lạnh. Cái thân thể mà đôi tay tôi được vuốt ve đêm hôm đó tất nhiên không phải chỉ cắn câu vì cái mồi sắc đẹp. Cô ta dùng cùng một loại nước hoa như Phượng và bỗng nhiên, đúng khi tôi sắp ngập vào người cô thì bóng ma của cái gì đó tôi đã đánh mất tỏ ra mạnh dạn hơn, là tấm thân đang nằm dài ra hiến cho tôi. Tôi rời cô ta, nằm ngửa, rồi dần dần, cơn ham muốn nguội đi.

- Xin lỗi nhé - Tôi nói. Và tôi nói tiếp một câu nói dối - Không hiểu sao tôi lại thế.

Cô bạn trả lời tôi một cách dễ thương với một sự thiếu thông cảm đầy dịu dàng:

- Anh đừng lo. Nhiều khi nó thế. Tại thuốc phiện đấy.

- Phải, tại thuốc phiện.

Trời ơi, ước gì đó chỉ là do thuốc phiện mà thôi!

Cái lần đầu tiên tôi trở về Sài Gòn không có ai ra đón, sao mà lạ. ở sân bay, sao mà tôi muốn có thể nói cho anh lái xe taxi một cái địa điểm khác hơn là phố Catina. Lòng tôi tự hỏi, liệu nỗi đau có vợi đi không so với lúc ra đi? Và tôi cố thuyết phục tôi rằng lòng đã dịu đi rồi đấy. Khi lên tới tầng gác, tôi thấy cửa phòng mở, và tôi như ngừng thở bởi một niềm hy vọng vọng điên rồ. Tôi chầm chậm bước lại cửa phòng. Chừng nào chưa tới cửa, nỗi hy vọng của tôi còn tồn tại. Tôi nghe tiếng ghế cọt kẹt và bước qua ngưỡng cửa, tôi nom thấy một đôi giày, nhưng không phải của phụ nữ. Tôi bước nhanh vào, và thấy Pyle vụng về nhấc cái thân nặng chịch của hắn ra khỏi chiếc ghế bành mà Phượng quen ngồi.

(Còn tiếp)