NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 35)

- Ông Chu có nhà không? - Tôi hỏi. Hai người đàn bà lắc đầu, lại chẳng có sự quan tâm nào nhưng một người đứng lên, tráng một cái chén, rót cho tôi đầy chén trà chứa sẵn trong một ấm tích ủ trong một giỏ bọc lụa xanh.

Tôi ngồi xuống giường cạnh cụ già, một cháu gái đem chén nước cho tôi, tôi thấy như tôi đã nhập vào cái cộng đồng này, lẫn cả với hai con chó và mèo chắc hôm đầu cũng đến đây một cách bất đắc dĩ như tôi. Ðứa con nít bò đến chân tôi nghịch ngợm với dây giầy, nhưng cũng không bị ai rầy la, ở phương Ðông, người ta không mắng mỏ trẻ con. Ba tờ lịch quảng cáo treo trên tường trên mỗi một chiếc là hình một cô thiếu nữ môi son má phấn mặc quần áo Tầu rất diêm dúa. Một chiếc gương lớn, không rõ vì lý do bí ẩn nào, lại mang dòng chữ: Hiệu cà phê Hòa Bình, chắc người ta tình cờ đã kiếm được nó cùng với các đồ sắt cũ. Tôi có cảm giác mình cũng là đồ vật tình cờ có mặt ở đây.

Tôi chầm chậm uống thứ chè xanh đắng nghét, đưa cái chén không quai nóng bỏng từ tay này sang tay khác, vừa uống vừa suy nghĩ xem nên kéo dài việc thăm viếng này tới tận bao giờ. Tôi lại thử dùng tiếng Pháp hỏi gia đình xem ông Chu liệu bao giờ về nhưng không ai trả lời tôi. Chắc họ không hiểu tôi nói gì. Khi chén nước đã cạn, có người đến rót cho đầy, rồi ai lại công việc người đó, một bà đứng tuổi thì là quần áo, một cô con gái thì khâu, hai đứa con trai thì học bài, bà cụ ngắm đôi bàn chân của mình, đôi bàn chân bị bó theo lối người Hoa cổ, còn con chó thì chăm chú theo dõi chú mèo nằm trên các hộp giấy.

Tôi hiểu thêm sự vất vả của Domige để đổi lấy một đồng lương ít ỏi của anh.

Một người Hoa, gầy còm hết mức, đi vào trong phòng, hình như anh ta không chiếm một khoảng không gian nào. Người ta tưởng ông ta là cái tờ giấy mỏng đặt giữa các lượt bánh trong chiếc hộp sắt. Bề dày của ông ta chỉ là ở bộ quần áo pigiama mang bằng thứ vải flanen kẻ sọc.

- Ông là ông Chu? - Tôi hỏi.

Ông ta nhìn tôi với cặp mắt dửng dưng của người nghiện ngập, má hõm, cổ tay như của con nít, cánh tay như của một thiếu nữ nhỏ, chắc phải hút mất không hết bao nhiêu điếu thuốc và trong bao nhiêu năm nên người mới tọp đi như vậy.

- Người bạn tôi tên là Dominge cho biết ông có cái gì có thể cho tôi xem. Ông có phải là ông Chu không?

-
À ĐÚNG, ĐÚNG TÔI LÀ CHU - Ông ta nói như vậy và bằng một cái vẫy tay lịch sự, mời tôi ngồi vào ghế của mình. Tôi thấy rõ mục đích chuyến đi thăm của tôi đã lạc đâu mất trong những ngách ám khói của bộ óc ông. Ông khách có xơi một chèn trà nữa không? Chủ nhân rất hân hạnh được khách tới thăm. Một chén khác được tráng nước đổ ngay xuống sàn, rồi được rót đầy trà, đặt vào tay tôi một hòn than nóng, thử tài khách xem có biết thưởng thức trà không. Tôi khen gia đình chủ nhà thật đông đúc.

Ông đưa mắt nhìn quanh phòng, hơi ngạc nhiên, y như chưa hề chú ý đến nó.

- Mẹ tôi, vợ tôi, em gái tôi, chú tôi, anh tôi, các con tôi và các cháu họ.

Ðứa trẻ nhỏ lăn dưới chân tôi, nằm ngửa tênh hênh, hai chân đạp lung tung, miệng líu lo. Tôi tự hỏi không biết đó là con ai. Hình như không có ai còn trẻ hoặc chưa đủ lớn, để sinh ra một đứa như vậy.

- Anh Dominge báo cho tôi biết một việc hệ trọng - Tôi nói.

- Anh Dominge à? Tôi mong rằng anh Dominge khỏe mạnh.

- Anh ta vừa bị sốt.

- Trong năm thì mùa này rất độc.

Tôi chưa tin rằng ông ta đã nhớ ra Dominge là ai. Ông ta nổi cơn ho, và dưới chiếc áo đứt mất hai cúc, làn da rung lên như một thứ da trống.

- Ông phải tới bác sĩ khám bệnh.

Một người mới tới nhập bọn với chúng tôi. Anh ta vào lúc nào tôi không nghe thấy. Ðó là một thanh niên bận âu phục, ăn mặc chải chuốt. Anh ta nói bằng tiếng Anh:

- Ông Chu chỉ có một bên phổi.

- Cho phép tôi chúc ông mạnh khỏe.

- Ông ta hút một trăm rưỡi điếu một ngày.

- Tôi nghĩ là nhiều quá.

- Bác sĩ nói thế là rất có hại, nhưng ông Chu chỉ sảng khoái khi hút thôi.

Tôi ậm ừ để tỏ vẻ tán thưởng.

- Tôi xin tự giới thiệu, tôi là giám đốc nơi ông Chu làm việc.

- Tên tôi là Fowler. Ông Dominge bảo tôi tới đây. Anh ta nói ông Chu định bàn điều gì đó.

- Ông Chu bây giờ thì chẳng còn nhớ được việc gì nữa. Ông xơi một chén nước nữa.

- Cảm ơn, tôi đã uống ba chén rồi.

Chúng tôi lại chuyện trò với nhau y như theo những câu vấn đáp trong một cuốn sách dạy đối thoại.

Giám đốc của ông Chu lấy chiếc chén từ tay tôi đưa cho một cô gái. Cô ta hắt nước chè xuống sàn và lại rót đầy.

- Chè loãng mất rồi - Anh ta nói.

Rôi anh ta cầm chiếc chén nếm thử, tráng lại rất cẩn thận và rót trà từ một chiếc ấm khác.

- Ngon hơn chứ?

- Hơn nhiều.

Ông Chu hắng giọng, nhưng chỉ là để khạc ra một cục đờm to nhổ xuống đúng vào ống nhổ bằng sắt tráng men vẽ hoa hồng. ứa con ít vẫn lăn trên chỗ nước tráng chén, con mèo nhảy vọt từ hộp giấy lên chiếc va li.

- Có lẽ ông nên nói chuyện với tôi thì hơn, tên tôi là Heng.

- Nếu ông nói cho tôi nghe.

- Chúng ta đi xuống nhà dưới. ở đó tĩnh hơn.

Tôi chìa tay cho ông Chu, ông để tay tôi vào lòng hai bàn tay ông với một vẻ ngơ ngác, mắt ông đảo qua gian phòng như để tìm cho tôi một chỗ ngồi. Tiếng xo mà được nghe nhỏ dần khi chúng tôi xuống thang.

- Xin chú ý - Heng nói, - bậc thang cuối bị rơi mất rồi - và anh ta chiếu đèn bấm cho tôi đi.

Chúng tôi lại trở lại nơi có những giường sắt và bồn tắm. Heng đi trước đưa tôi vào một gian nhà. Ði được hai mươi bước, anh ta ngừng lại, lấy đèn dọi vào cái thùng sắt nhỏ nom như một cái trống.

- Ông nom rõ không?

- Rõ, cái gì vậy?

Heng lộn chiếc hộp lại, và chỉ cho tôi nhìn rõ nhãn hiệu Diolacton.

- Chữ này đối với tôi không có nghĩa gì.

- ở đây có hai hộp như vậy, nhặt được tại nhà nhà để xe hơi của ông Phan Văn Mười, cùng với những đồ bỏ đi khác. Ông biết ông Mười chứ?

- Hình như không.

- Vợ ông ta là họ hàng với tướng Thế.

- Tôi vẫn không hiểu.

- Ông có biết cái này là để làm gì không? - Heng vừa nói, vừa cúi xuống nhặt một vật dài và lõm nom như một dọc cần tây, nước mạ lấp loáng dưới ánh đèn.

- Có thể là một cái ống trong phòng tắm.

- Nó là một cái khuôn - Heng nói. (Chắc hẳn anh ta thuộc về loại người rất thích thú với việc giải thích cho người khác. Anh ta ngừng một lát để tôi một lần nữa phải thú nhận sự dốt nát của mình). Ông hiểu tôi nói cái khuôn là nói cái gì chứ?

- Tất nhiên, nhưng tôi vẫn không thấy.

- Cái khuôn này làm từ Mỹ, Diolacton là tên một hãng sản xuất Mỹ. Ông hiểu rồi chứ?

- Vẫn chưa hiểu gì cả.

- Cái khuôn này có một chỗ sai quy cách, một vết tì. Vì thế người ta bỏ di. Nhưng đáng lẽ không được vứt nó cùng với sắt cũ cái hộp cũng vậy. Ðó là một sự sai sót. Ông chủ của ông Mười đã thân chinh vào tận đây lục tìm. Tôi bảo chỉ có thế, ông ta thì nói tìm hộp để đựng hóa chất để dành. Tất nhiên ông ta không hỏi xem có khuôn không, hỏi vậy sẽ lộ ra hành vi của ông nhưng ông tìm kỹ lắm, ông Mười sau đó đã đến tòa lãnh sự Mỹ xin gặp ông Pyle.

(Còn tiếp)