NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 33)

        Bây giờ tôi ngả người ra đằng sau, và trong cơn sảng khoái nhờ thuốc phiện, tôi nghĩ: ít ra cô ta cũng không bỏ mình trước khi về nước, biết đâu đấy! Ngày mai, hút xong vài điếu, có lẽ bằng cách này hay cách khác, tôi cũng tìm ra cách ở lại.

        Những công việc lặt vặt cụ thể hằng ngày tiếp tục chính nhờ thế mà nhiều người khỏi phải mất trí. Nếu trong một đợt ném bom không thể lúc nào cũng sợ hãi thì trong công việc hằng ngày những cuộc gặp gỡ không định trước, những sự lo lắng cho công việc chung, khiến người ta quên đi trong nhiều giờ liền nỗi khiếp sợ của cá nhân. Cái ý nghĩ rằng tháng tư đang tới gần, tôi phải rời Ðông Dương và việc không thể hình dung nổi một tương lai không có Phượng, đã bị khuây đi nhờ một bức điện hằng ngày, những thông cáo báo chí Việt Nam và những khó khăn gây ra bởi bệnh tật của người trợ tá của tôi. Anh này là người ấn Ðộ mang tên Dominge (gia đình anh ta đi từ Goa qua Bombay rồi đến đây). Anh ta thường thay mặt tôi theo dõi những hội nghị báo chí quan trọng nhất, anh ta có một bộ tai rất thính, nắm bắt được những màu vẻ của công luận cũng như những lời bàn tán riêng tư. Anh ta đưa những bức điện tôi viết ra bưu điện hay phòng kiểm duyệt. Nhờ những bạn đồng hương buôn bán, nhất là ở miền Bắc Hải Phòng, Hà Nội và Nam Ðịnh, anh ta có một mạng thông tin mật riêng dành cho tôi, và tôi tin rằng anh ta còn biết rõ hơn Bộ Tổng Tư lệnh Phá, về vị trí đóng quân của các tiểu đoàn Việt Minh tại châu thổ sông Hồng. Bởi lẽ chúng tôi không bao giờ sử dụng những tin tức thu lượm được trước khi chúng đựơc đưa thành những tin công khai và cũng không hề cho cơ quan mật vụ Pháp biết. Dominge đã tranh thủ được lòng tin và tình bằng hữu của nhiều phái viên Việt Minh ẩn náu ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Tuy anh ta có tên Âu, nhưng lại là người á, điều này chắc đã là sự đóng góp tiện lợi vào tình hình đó.

        Tôi rất quý Dominge. Khi những người khác trưng sự kiêu ngạo của mình ra như một thứ bệnh ngoài da, động khẽ vào đã phản ứng, thì niềm tự kiêu của anh ta rất kín đáo, thu lại đến mức nhỏ nhất với một con người bình thường. Trong sự tiếp xúc hằng ngày với anh ta, người ta chỉ thấy sự dịu dàng, sự nhún nhường và sự tuyệt đối tôn trọng sự thật. Có lẽ phải là vợ anh ta mới phát hiện ra được niềm tự kiêu của anh ta. Có lẽ chân lý và khiêm tốn đi với nhau, còn tính kiêu căng của chúng ta đã sinh ra bao nhiêu điều dối trá. Trong nghề nghiệp của tôi, ai mà chẳng mắc tính hiếu thắng của người phóng viên, ý muốn được đưa những bài có giá trị hơn những người khác?& nhưng chính Dominge là người đã dạy tôi nên thản nhiên, giúp tôi chịu đựng khi có những bức điện của tòa soạn, chất vấn tại sao không đưa tin về những chi tiết do một người nào đó đã phát hiện mà tôi biết tỏng là bịa đặt.

        Từ khi anh ta ốm, tôi mới hiểu tôi đã phải mang ơn anh ta như thế nào. Anh ta lo tới cả việc xe tôi lúc nào cũng đầy đủ xăng, nhưng không hề động chạm đến đời tư của tôi, dù bằng một câu nói, một cái nhìn. Tôi tin rằng anh ta theo Thiên Chúa giáo như, nhưng không có gì làm bằng, ngoài cái tên à nơi anh ra đời. Qua những câu chuyện nói với nhau, tôi hiểu anh có thể tôn thờ Kristina, hoặc hàng năm đi hành hương trong một cái gông bằng dây thép gai tới tận động Batu. Nhưng chính vì anh ốm mà tôi thành bận bịu, do thế thoát khỏi sự lo lắng về việc riêng tư của mình, bệnh của anh trở thành một điều tốt lành đối với tôi. Bây giờ chính tôi phải đi dự những buổi họp báo tẻ ngắt, rồi tập tễnh ra khách sạn Continetal để chuyện phiếm với những đồng nghiệp, nhưng tôi không sành sỏi như Dominge trong việc phân biệt thực hư, bởi vậy đêm đến thường tôi tới nhà anh để thảo luận về những tin tức tôi nhận được. Ðôi khi tôi gặp một vài người bạn ấn Ðộ của anh, ngồi trên đầu chiếc giường sắt hẹp trong căn nhà mà Dominge chỉ có một góc, nhà nhìn ra một phố nghèo khổ nhất liền kề với đại lộ Galieni.


(Còn tiếp)