NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG (Phần 19)

        Hắn đứng dưới một bóng cây nhỏ cùng với viên thiếu tá và chẳng ai ngó ngàng gì đến chiếc xe cả. Câu chuyện giữa hai người hình như đã xong xuôi, không rõ họ bàn về việc gì, họ đứng im lặng và lúng túng trong sự lễ độ của họ. Tôi nhập bọn.

- Nào, tôi nghĩ rằng đã đến lúc phải đi về. Phải về trước giờ giới nghiêm - Tôi nói.

- Anh thợ máy không tới.

- Hắn tới ngay bây giờ - Viên thiếu tá nói - Hắn vừa đi rước về.

- Anh có thể ngủ qua một đêm ở đây - Tôi nói - Người ta sắp làm một lễ mi-sa đặc biệt mà chắc anh sẽ thú vị, kéo dài tới ba giờ.

- Tôi cần phải về.

- Anh chỉ về kịp nếu khởi hành ngay.

Và tôi miễn cưỡng nói thêm:

- Mời anh lên xe tôi cùng đi, còn thiếu tá ngày mai sẽ đưa xe anh về Sài Gòn.

- Chừng nào còn trên địa phận Cao Ðài thì các anh không cần lo về giờ giới nghiêm - Viên thiếu tá nói với vẻ tự mãn. Nhưng, xa hơn. Tất nhiên, tôi sẽ cho đưa xe anh về.

- Với ống xả nguyên vẹn - Tôi nói.

        Hắn ta trả lời tôi bằng một tiếng cười giòn, ngắn gọn vì tự đắc, một tiếng cười thu gọn lại theo kiểu nhà binh.

        Khi chúng tôi khởi hành, đoàn xe đi trước đã cách khá xa.

        Tôi cho xe chạy nhanh để đuổi kịp, khi chúng tôi chạy tới địa phận Hòa Hảo, phía đằng trước không còn thấy đám bụi to như đám mây nữa. Cảnh vật trải ra phía trước, bằng phẳng và vắng tanh trong buổi chiều tối.

        Ðây chưa phải là quang cảnh khiến người ta liên hệ tới một cuộc phục kích, nhưng người phục kích vẫn có thể ngâm mình dưới ruộng lúa ngập nước tới tận cổ, chỉ cách đường vài mét.

        Pyle hắng giọng và đấy là dấu hiệu của những chuyện tâm tình sắp sửa đưa ra trao đổi.

- Tôi hy vọng rằng Phượng vẫn khỏe - Hắn nói.

- Tôi chưa hề thấy cô ta ốm bao giờ.

        Một tháp canh qua, tháp khác hiện ra, y như con số chỉ trọng lượng theo nhau xuất hiện trên bàn cân.

- Hôm qua, tôi gặp chị cô ta đang mua hàng.

- Chắc bà ta mời anh tới thăm hai chị em.

- Ðúng vậy, bà ta có mời.

- Bà ấy chưa thể buông trôi hy vọng của mình đâu.

- Hy vọng gì?

- Ðược thấy anh lấy Phượng.

- Bà ấy nói anh sắp về nước.

- Ðó là một tin đồn.

- Anh dùng lối xử sự thẳng thắn với tôi đấy chứ? Anh Thomas? - Pyle hỏi.

- Thẳng thắn!

- Tôi đã xin chuyển công tác. Tôi không muốn cô ta chẳng còn ai khi cả anh lẫn tôi cùng đi.

- Tôi tưởng anh sẽ ở hết nhiệm kỳ.

Nhưng không thương tiếc bản thân mình, Pyle nói:

- Tôi cảm thấy không chịu đựng nổi điều đó.

- Chừng nào anh đi?

- Không rõ. Họ cho rằng trong vòng 6 tháng sẽ thu xếp được việc đó.

- Anh chịu được thời gian 6 tháng à?

- Cũng phải chịu thôi.

- Anh đã viện ra những lý do gì?

- Tôi đã nói với tuỳ viên thương mại anh đã gặp hắn ta đấy: Jo ít nhiều cũng rõ sự tình.

- Tôi phỏng đoán rằng hắn ta đứng về phía anh đấy.

        Máy xe của tôi khậm khặc, lẹt xẹt. Chắc nó dở chứng từ mấy phút rồi, nhưng tôi không chú ý vì trong đầu còn suy nghĩ về câu hỏi ngây thơ của Pyle: Anh có xử sự thẳng thắn không? Nhưng câu đó gắn với một thế giới tâm lý hết sức giản đơn, cái thế giới nơi người ta nói đến dân chủ và danh dự (viết bằng chữ hoa), nơi mà những chữ đó mang cái nghĩa như cha ông chúng ta đã gắn cho nó.

- Hết xăng rồi - Tôi nói.

- Hết xăng?

- Lúc nãy thừa chứ không phải thiếu. Tôi đã lấy đầy thật đầy, trước khi rời Sài Gòn. Những tên bất lương ở Tây Ninh đã dùng vòi hút trộm. Ðáng lẽ tôi phải kiểm tra trước khi về. Chính bọn họ đã chừa lại chỉ để đủ cho ta ra khỏi vùng của họ.

- Làm thế nào bây giờ?

- Vừa đủ để đi đến tháp canh gần nhất. Hy vọng ở đó họ có chút ít.

        Nhưng vận rủi vẫn theo đuổi chúng tôi. Cách tháp 25 m, xe ngừng. Chúng tôi đi bộ khoảng cách còn lại và tôi dùng tiếng Pháp nói to lên rằng chúng tôi là bạn và muốn lên tháp. Tôi không muốn một tên lính gác Việt cho tôi ăn một viên đạn. Không có trả lời. Không có ai thò mũi ra.

- Anh có một khẩu súng ngắn phải không? - Tôi hỏi Pyle.

- Không bao giờ tôi mang theo.

- Tôi cũng vậy.

- Những mẩu hoàng hôn, xanh hay vàng ối như màu lúa, từ từ tắt trên đường viền của cánh đồng bằng phẳng. Trên nền trời xám nhạt, tháp canh bật lên với màu đen như trong một bức tranh in tay. Chắc đã sắp tới giờ giới nghiêm. Tôi lại gọi to lên, không có ai trả lời.

- Anh có biết là kể từ đồn binh cuối, chúng ta đã vượt qua bao nhiêu tháp canh không?

- Tôi không để ý.

- Tôi cũng vậy.

Chắc ít nhất cũng phải 6 cây số mới tới được đồn sau - khoảng 1 giờ đi bộ. Tôi gọi một lần nữa và sự im lặng lại lặp đi lặp lại như là câu trả lời.

- Y như tháp không có người vậy - Tôi nói - Tôi thử leo lên xem sao.

Lá cờ vàng có những sọc đỏ đã phai màu thành màu da cam chứng tỏ chúng tôi đã vượt khỏi khu Hòa Hảo và đang ở trong khu vực ở quân chính quyền Sài Gòn.

- Anh có tin rằng - Pyle nói - Nếu đứng chờ, chúng ta sẽ gặp một cái xe nào đó đi qua không?

- Có thể, nhưng những người khác sẽ tới trước.

- Hay tôi quay lại bật đèn pha? Ðể làm hiệu.

- Trời đất! Xin đừng động đến cái gì cả.

        Ðêm đã xuống đến mức tôi vẫp mãi khi đi tìm chiếc thang lên lầu. Có cái gì kêu răng rắc dưới bước chân và tôi tưởng như những tiếng động nào đó lan ra khắp cánh đồng và lọt vào đôi tai nào đó. Tôi nhìn về phía Pyle nhưng không thấy rõ hình bóng hắn mà chỉ thấy một vệt mơ hồ bên đường. Ðêm xuống nhanh như một hòn đá khi rơi.

- Hãy đứng yên đó cho tới khi tôi gọi anh nhé - Tôi nói.

        Tôi tự hỏi không rõ người gác có kéo chiếc thang lên theo mình không, nhưng không, nó đây rồi. Tất nhiên kẻ địch có thể dùng thang mà leo lên, nhưng chiếc thang cũng là cách độc nhất để trốn chạy. Tôi leo lên.

        Tôi thường đọc trong sách thấy nói khi gặp cơn sợ hãi lớn, người ta nghĩ tới Thượng đế, tới gia đình, tới một người phụ nữ. Tôi bái phục sự bình tĩnh đó. Tôi thì chẳng nghĩ tới gì cả, kể cả cái cánh cửa sập trên đầu tôi. Trong mấy giây này, tôi như không tồn tại nữa. Tôi thành hiện thân của sự sợ hãi trong dạng nguyên sơ. Lên tới cao, tôi cộc đầu đau điếng, vì sợ nên không đếm nổi bậc thang, nghe hay nhìn gì hết. Sau cùng, tôi thò đầu lên khỏi sàn gác và không có ai nổ súng vào tôi, cái sợ thoát khỏi người tôi và bốc hơi bay đi mất.


(Còn tiếp)