K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 43

Từ Đinh Hợi, Lê Hiển Tông năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) đến Tân Mão, năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), gồm 5 năm.

Đinh Hợi, năm [Cảnh Hưng] thứ 28 (1767). (Thanh, năm Càn Long thứ 32).

Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.

Núi ở Thanh Hoa bị lở. Huyện Đông Thành và Quỳnh Lưu động đất.

Lời chua-Thanh Hoa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 20, 21, 33).

Đông Thành và Quỳnh Lưu3451 : Tên hai huyện, xem năm Cảnh Hưng thứ 20 (Chb. XLII, 5).

Sai bọn Nguyễn Đình Huấn và Ngô [Thì] Sĩ đi xếp đặt công việc ở Thái Nguyên. Bọn này chưa đi đến nơi, mà trở về.

Trước đây, các xưởng mỏ ở thượng du và vỏ quế ở núi rừng đều giao cho người Nùng ở Hóa Vi nước ta khai khẩn và bóc lấy. Từ khi trường xưởng mở ra nhiều, viên quan giám đương phần nhiều tập hợp người nhà Thanh khai lấy. Do đấy, người làm thuê trong mỗi xưởng kể đến hàng vạn, phu mỏ, nhà lò tụ tập thành từng đàn, trong số ấy phần nhiều là người Triều Châu và Thiều Châu, tính tình hung hãn, hay đánh nhau; mỗi khi tranh nhau cửa lò, liền nổi quân để đánh lẫn nhau, người nào chết thì vứt xuống hố. Triều đình coi họ là hạng người ngoài giáo hóa, nên chỉ cốt thu đủ thuế mà thôi, ngoài ra không hỏi gì đến cả.

Lúc ấy, [Thì] Sĩ giữ chức đốc đồng ở Thái Nguyên, bèn viện dẫn lời trình bày của Bùi Sĩ Tiêm, và nói: "Thổ sản ở núi rừng, để giúp cho việc cần dùng trong nước, thế mà nộp vào thuế khóa nhà nước, mười phần không được một phần. Vả lại, những nơi hiểm yếu ở hang động, núi khe trong nước, hết thảy bị người nước ngoài thông tỏ và nương náu. Đấy là một điều không nên. Địa mạch nước ta, Thái Nguyên ở về mạn thượng du, bọn kia cứ thấy chỗ nào có khí sắc loài kim là họ khai quật, chở đất ra ngoài cửa lò, chứa thành trăm ngàn đống ở nơi đất bằng, trong lò có thể chứa được hàng trăm người, như thế thì thương tổn địa mạch biết là chừng nào! Đấy là hai đều không nên. Người nhà Thanh lấy được bạc, liền đem về nước họ, thì của ấy không phải là của nước ta nữa. Đấy là ba điều không nên.

"Tôi thấy nhà Thanh có định thể lệ: "Nhân dân ở nội địa Trung Quốc, nếu người nào không có giấy "thân chiếu" do quan cấp, không được đi ra nước ngoài". Vậy xin đưa công văn sang cho quan chức hai tỉnh Quảng, tra xét xem người nào không có giấy cấp "thân chiếu" thì nhất luật bắt phải về nước. Còn những hộ chịu thuế ở trường xưởng thì vẫn lấy người Nùng Hóa Vi nước ta sung vào. Nếu người nhà Thanh người nào không có giấy cấp "thân chiếu" mà tình nguyện ở lại, thì cho phép để tóc và thay đổi y phục, biên tên vào sổ hộ nước ta, để cắt đứt mối tranh giành". Trịnh Doanh theo lời.

Sau tiếp được công văn của hai tỉnh Quảng trả lời, cũng không nhận là có cấp giấy cho người nào cả. Vì thế, triều đình hạ lệnh cho [Thì] Sĩ và Đình Huấn đem binh lính 17 cơ đội đến ngay xưởng

Tống Tinh, tùy tiện yên ủi hoặc tiễu nã. Bọn [Thì} Sĩ đi đến Dã Giang, gặp lúc Trịnh Doanh mất, nên trở về, thành ra việc này bèn thôi.

Lời chua-Xưởng Tống Tinh: Ở châu Bạch Thông, tỉnh Thái Nguyên.

Dã Giang: Ở địa phận các xã Thượng Dã, Trung Dã và Hạ Dã thuộc phủ Thiên Phúc, tỉnh Bắc Ninh.

Triều Châu và Thiều Châu: Đều thuộc tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).

Hóa Vi (có sách chép là Hóa Thường): Nay không khảo cứu được.

Trịnh Doanh mất, con là Sâm tự lập làm nguyên soái Tĩnh Đô Vương.

Lúc mất Doanh 48 Doanh 48 tuổi, truy tôn là Ân vương, tiếm hiệu là Nghị Tổ. Sau khi Sâm đã nối ngôi, giả xưng mệnh lệnh của nhà vua, tiến phong làm nguyên soái, tổng quốc chính, Tĩnh Đô vương. Lại phong mẹ đẻ là Hoa Dung Nguyễn thị làm thái phi.

Lời chua-Nguyễn Thị: Người xã Linh Đường3452 , huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Nội là con gái Nguyễn Đình Tư và là vợ Trịnh Doanh.

Tháng 2. Ở kinh sư động đất.

Giặc cướp nổi dậy ở Kinh Bắc. Dẹp yên được.

Bọn giặc cướp ở Kinh Bắc đều nổi dậy. Nguyễn Gia Kiên, trấn thủ, tâu về triều. Triều đình sai Điển Vũ hầu Nguyễn Trọng Điển đem quân đi đánh, dẹp yên được. Bèn để Trọng Điển ở lại đóng đồn phòng thủ, ngăn chặn đường hiểm yếu mặt đông bắc.

Lời chua-Nguyễn Gia Kiên: Người xã Liễu Ngạn, huyện Siêu Loại3453 .

Kinh Bắc: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 28, 35).

Tháng 4, mùa hạ. Ánh sáng sao Thái Bạch và sao Huỳnh Hoặc giao tiếp với nhau ở dã phận sao Tỉnh.

Hai vì sao Thái Bạch và Huỳnh Hoặc ánh sáng giao tiếp với nhau ở dã phận sao Tỉnh.

Quân của Lê Duy Mật tràn ra Hương Sơn. Trịnh Sâm sai bọn Bùi Thế Đạt đi đánh, Duy Mật rút quân chạy.

Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh, hay tin Trịnh Doanh mất, nhân đấy bèn sai đồ đảng đem lính và voi tràn xuống địa phận huyện Hương Sơn và Thanh Chương; dân ở biên giới nôn nao rối loạn. Viên đồn thủ là Hà Lãm đem quân đi đánh, bị thua chạy. Tin báo về triều, Trịnh Sâm sai Nguyễn Nghiễm làm hiệp đốc suất cùng Bùi Thế Đạt đem quân đi đánh. Duy Mật rút quân chạy. .Sau Trịnh Sâm sai bọn Nguyễn Nghiễm về triều.

Trịnh Sâm nhận thấy rằng, nếu không diệt trừ được Duy Mật, chung quy vẫn làm ngăn trở cho vùng Hoan, Ái3454 , bèn dụ hỏi Thế Đạt về hình thế đóng quân của Duy Mật và kế hoạch tiến quân, tải lương. Thế Đặt đem hết tình trạng Duy Mật bày tỏ ở triều đường, và nói: "Có 2 con đường có thể tiến quân vào Trấn Ninh được; đường chính là con đường Trà Lân, có đường thủy, có thể vận lương, quân đi được yên ổn thuận tiện". Trịnh Sâm bèn hạ lệnh bắt lấy thuyền đi biển của Thanh và Nghệ, dự tải thóc công chứa ở kho Vĩnh Doanh và Sa Nam, để phòng bị cấp phát cho quân. Một mặt, sai thêm Lê Đình

Châu thống suất bọn Trịnh Phương. Nguyễn Trọng Điển và Nguyễn Đình Đống đem 5 ngàn quân, lệ thuộc sự chỉ huy của Thế Đạt, theo đi đánh giặc. Trịnh Sâm lại lấy cớ là xứ Thanh Hoa gần liền phủ Trấn Ninh, bèn hạ lệnh cho lưu thủ Nguyễn Đình Diễn chia quân đóng đồn phòng ngự, chặn giữ nơi xung yếu.

Lời chua-Nguyễn Đình Diễn: Hoạn quan, người xã Nội Duệ3455 , huyện Tiên Du.

Nguyễn Đình Thống: Người xã Hương Duệ, huyện Kỳ Anh3456 .

Vĩnh Doanh: Trấn Lỵ, Nghệ An.

Sa Nam3457 : Tên xã, thuộc huyện Nam Đường.

Hương Sơn: Tức Đỗ Gia, xem Bình Định Vương, năm thứ 7 (Chb, XIII, 21).

Thanh Chương: Tức Thổ Du, xem Bình Định Vương năm thứ 8 (Chb, XIII, 22).

Trịnh Sâm phong chức tươóc cho bầy tôi văn, võ, có từng cấp bậc cao thấp khác nhau.

Phong cho Hoàng Ngũ Phúc tước nhất tự công3458 , gia phong dực vận đồng đức công thần; Nguyễn Nghiễm làm thiếu phó, phong tước quận công; Nguyễn Hoàn làm tả thị lang bộ Công, phong tước hầu; ngoài ra, trăm quan đều được thăng một bậc. Lại nhận thấy tư giảng Dương Công Chú có công hầu giảng nghĩa sách, nên tặng chức thiếu bảo, gia phong tước quận công.

Ân xá.

Trịnh Sâm mới nối ngôi, muốn ra ơn cho trong nước để nhân dân vui lòng. Lúc ấy, mưa dầm mãi không tạnh, bèn hạ lệnh; miễn thuế tô, thuế dung năm nay cho hai xứ Thanh và Nghệ; miễn năm phần mười (5/10) thuế tô, dung và điệu cho ngoại trấn; lại tha tiền thuế thiếu từ các năm trước và tiền chuộc tội.

Sâm tặng phong tước Triệu Khánh Công cho ông ngoại là Nguyễn Đình Tư.

Đình Tư, người xã Linh Đường3459 , huyện Thanh Trì, trước đây, giữ chức thị giảng trong phủ Trịnh Doanh. Đình Tư là bố Nguyễn Thái Phi, mẹ đẻ Trịnh Sâm. Đến nay truy tặng. Sâm hạ lệnh lập từ đường để thờ ở kinh sư.

Lời chua-Thanh Trì: Tức Long Đàm, xem Trần Thái Tông, năm Thiến Ứng chính bình thứ 14 (Chb, VI, 26).

Ngày Quý Mùi, tháng 6. Sao Thái Bạch xuất hiện giữa ban ngày.

Định lại ngạch thuế 4 châu ở Cao Bằng.

Trước đây, Mai Danh Tông, giữ chức đốc đồng ở trấn Cao Bằng, thuế dung tăng lên nhiều hơn ngạch cũ, dân không thể nộp được. Đến nay thu những thuế còn thiếu lại, nhân dân đem nhau đến trấn khiếu tố. Đốc trấn Nguyễn Trọng Hoành đem việc này tâu về triều đình. Triều đình bèn hạ lệnh theo sổ thuế năm Nhâm Dần (1722) đời Bảo Thái cải chính lại.

Lời chua-Mai Danh Tông: Người xã Cao Lãm, huyện Sơn Minh3460 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Nguyễn Trọng Hoành: Người xã Bột Thái3461 , huyện Hoằng Hóa, con Nguyễn Ngọc Huyễn, đỗ hương cống, là hạng tiến triều3462 .

Cao Bằng: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 20, 32, 35).

Phong tước trật cho bọn Hà Công Ứng, thổ tù trấn Hưng Hóa.

Giặc cỏ Hoàng Công Chất lén lút chiếm cứ động Mãnh Thiên thường nhũng nhiễu cướp bóc vùng thượng du trấn Hưng Hóa, nhiều người phụ theo, chỉ có bọn Công Ứng, nhiều người phụ theo, chỉ có bọn Công Ứng họp tập thống suất dân chúng chống giặc, bảo toàn được các sách3463 trong châu. Hoàng Phùng Cơ, lưu thủ Sơn Tây, tâu bày công của họ về triều. Triều đình bàn định ban thưởng để biểu dương công trạng, bèn phong cho Công Ứng tước Mai ngạn hầu, Đinh Công Hồ tước Sùng nham bá, lại sai quan đến tuyên dương và yên ủi, các người phiên mục đều được thăng trật.

Lời chua-Động Mãnh Thiên: Xem năm Cảnh Hưng thứ 22 (Chb. XLII, 11).

Hưng Hóa và Sơn Tây: Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 27, 30, 31, 34, 35).

Định rõ thể lệ kiện tụng, về việc người đương sự kêu xin xét lại.

Phàm các việc kiện, nếu lần trước xét xử mà người đương sự chưa phục tình, cho phép đến ngày chúa ra coi chầu được đệ đơn kêu lại. Nếu tình trạng quả tai hại, thì cho phép xét lại; nếu xét lại còn vẫn chưa tỏ rõ được lý lẽ, thì cho phép người đương sự đánh mõ3464 tâu bày. Đơn kiện nào khiếu tố vượt thứ tự, sẽ bị bác bỏ.

Tháng 7, mùa thu. Không mưa.

Tháng này, mấy tuần không có mưa, Trịnh Sâm thân hành cầu đảo ở lầu Kính Thiên, hạ lệnh các quan trong kinh ngoài trấn dâng tờ khải niêm phong trình bày công việc. Nguyễn Bá Lân dâng tờ khải nói: "Chính sự vua chúa, thông cảm với trời. Nay vương thượng mới cầm quyền, nên chuộng đều khoan hậu, vậy xin: Lục dụng Lê Quý Đôn và Phan Cẩn để nâng đỡ người bị oan ức lâu ngày; rộng gia ơn về việc, chuộc tội, cứu vớt dân xiêu lưu, để dân khỏi đau khổ. Như thế, may ra có thể thu phục được lòng người, và báo đáp được tội lỗi mà trời quở trách". Trịnh Sâm cho là phải, bèn khởi phục Lê Quý Đôn giữ chức Thị thư (Chánh lục phẩm, Phan Cẩn giữ chức Cấp sự trung (Tòng bát phẩm). Sau lại hạ lệnh: Viên trưng phủ ở các phủ đều tâu bày tình trạng nghèo đói phiêu tán và đau khổ của dân trong hạt; viên quan trong Ty Hiến sát sứ đi khám xét ruộng bỏ hoang không cày cấy ở dân gian và dò hỏi sự tệ hại uất ức của dân sở tại, rồi tâu bày để triều đình biết. Một mặt liệu lượng tha thuế tô cho những nơi bị thiệt hại từ bốn phần trở lên. Lúc ấy, về chính tô và gia tô được tha tiền hơn một vạn bốn ngàn quan, thóc hơn ba ngàn sọt. Những thuế bỏ thiếu từ năm Kỷ Mão (1759) trở về trước, đều được tha cả.

Tháng 8. Mưa.

Có sao đổi ngôi dài hơn một trượng, ánh sáng mặt trời, tiếng vang như sấm.

Tháng 9. Định lại thể lệ khám đê điều.

Đường đê và cửa cống ở các lộ, mỗi năm cứ đến tháng trọng thu (tháng 8 âm lịch) viên quan ở huyện đi khám lần đầu, rồi đem tình hình trình lên ti Thừa chính ở trấn; tháng quý thu (tháng 9 âm lịch)

ti Thừa chính ở trấn đi khám, trình lên quan chính đường; tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch) các quan chia nhau đi khám lại, rồi sẽ khởi công.

Ánh sáng mặt trăng lấn vào chòm trung tinh ở sao tâm.

Viên quan trong Tư Thiên giám nói: Trung tinh là đế tinh, ánh sáng mặt trăng lấn vào chòm trung tinh là triệu chứng người bầy tôi lăng loàn lấn quyền.

Tháng 9 nhuận. Em của Sâm là Lệ định mưu giết Sâm. Việc bại lộ, Lệ bị bắt giam vào ngục. Giết đồ đảng của hắn là Phạm Huy Cơ.

Lệ là người sáng suốt, có cơ mưu và trí khôn. Lúc Trịnh Doanh còn sống. Lệ thường có chí ăn cướp ngôi con trưởng. Trước kia hắn theo học Huy Cơ. Huy Cơ vì có tội phải giam mang lòng oán hận, bèn ngầm xui Lệ làm sự trái phép, dựng bè đảng vây cánh, dắt Dương Trọng Khiêm và Nguyễn Huy Bá làm gia khách, bí mật hẹn nhau, định đến ngày 24 tháng này sẽ khởi sự. Nhưng bọn Trọng Khiêm lại sợ rằng việc không thành, sẽ bị vạ lây, bèn lẻn lút đem công việc đến cáo tố với nội giám Phạm Huy Đĩnh, Huy Đĩnh đem báo cáo với Sâm. Sâm lập tức hạ lệnh cho bầy tôi hội hợp tra tấn. Huy Cơ tự biết không thể nào thoát nạn, tự ra nhận tội, phải luận vào tội xử trảm, còn Lệ thì bị bắt giam vào ngục.

Trọng Khiêm, trước kia, bị khiển trách và bãi chức, đến nay khen thưởng là người có công, nên trả lại cho chức cũ và được thăng hai bậc; Huy Bá được thăng năm bậc. Đoàn Nguyễn Thục, thiêm đô ngự sử dâng nói: "Bọn Huy Cơ âm mưu làm sự trái phép, may mà việc ấy bại lộ, làm cho kẻ có tội mất hết mưu gian và phải phục tội, đấy thật là phúc của nước nhà. Nhưng Trọng Khiêm bị truất bãi đã lâu, nếu biết đóng cửa nghĩ tội lỗi mình đừng giao du với tân khánh, thì mưu làm việc không lành từ đâu mà đến tai hắn được? Thế mà lại giao thông với Huy Cơ là người bị giam cấm, ra vào nhà Trịnh Lệ là nơi đáng phải nghi ngờ; hắn quanh quẩn ở giữa hai người này, giúp mưu mô của Huy Cơ, làm thêm tội ác của Trịnh Lệ, rồi bấy giờ mới phát giác, để lập lấy công mình. Nếu đứng về mặt tư tưởng mà nghiêm khắc buộc tội, thì Trọng Khiêm cũng dính líu vào tội cùng giúp đỡ kẻ ác nghịch. Vả lại, Huy Bá vốn là bọn hào hiệp, mới dự biết được việc này, liền theo đấy mà tố cáo phát giác, thì Huy Bá được nhận phần thưởng là hợp lý. Còn như Trọng Khiêm là người có tội phải bãi truất, thế mà lại tham giàu sang trước mắt, coi Trịnh Lệ như của quý để buôn bán, coi Huy Cơ như đồ vật để đánh bạc, làm lan thêm cái ác nghịch của chúng để may ra mình vớ lấy một chức quan, dụng tâm của Trọng Khiêm kể ra cũng quá nham hiểm! Đem công và tội mà nhân trừ lễn với nhau, thì Trọng Khiêm không đáng thưởng cho thăng cấp". Trịnh Sâm khen và nhận tờ khải của Nguyễn Thục, bèn hạ lệnh tước bỏ cấp bậc đã cho Trọng Khiêm được thăng, chỉ cho được khôi phục chức cũ; thưởng cho Nguyễn Thục 30 lạng bạc.

Lời phê-Họ Trịnh không giữ đạo làm tôi, cho nên trong nhà, bố con anh em thông thường mưu hại lẫn nhau như thế. Bản thân mình không ngay thẳng, mà muốn bắt người khác phải ngay thẳng, có lẽ cũng khó khăn đấy. Lời chua-Dương Trọng Khiêm: Có một tên nữa là Trọng Tề, người xã Lạc Đạo3465 , huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754) năm Cảnh Hưng.

Nguyễn Huy Bá: Người xã Phú Thị3466 , huyện Gia Lâm, đỗ hương cống.

Phạm Huy Đĩnh: Người xã Cao Mỗ3467 , huyện Thần Khê.

Trịnh Sâm định phép xét dùng người trong họ tôn thất.

Hạ lệnh cho viên quan giữ công việc phủ tôn nhân, xét kỷ xem người nào có thể cai trị nhân dân, xử trí công việc, thì đưa sang bộ Lại cất nhắc, nhưng mỗi năm không được quá năm người. Bầy tôi có công hiện được trao cho thực chức, nếu người nào trái thể lệ đều cách bỏ đi hết. Từ đấy, tệ tập cầu may mà được làm quan và mạo nhận công trạng, dần dần được thay đổi.

Hợp lại hoặc bỏ bớt một số phủ huyện.

Trịnh Sâm lấy cớ rằng nhân dân trong nước điêu tàn hao hụt, nếu đặt nhiều quan chức chỉ phiền nhiễu cho dân, nghĩ thay đổi tệ tập ấy, bèn bàn định thi hành việc hợp lại hoặc bỏ bớt gồm 4 phủ, 29 châu huyện. Những phủ và châu huyện này đều cho phủ huyện tiếp cận tùy tiện kiêm lý.

Lời chua-Số phủ huyện hợp lại hoặc bỏ bớt.

- Thanh Hoá 2 phủ, 4 huyện: Phủ Tĩnh Gia kiêm lý phủ Thanh Đô (nay đổi Thọ Xuân); phủ Hà Trung kiêm lý phủ Thiên Quan (nay đổi nho quan, thuộc tỉnh Ninh Bình); huyện Vĩnh Phúc (nay đổi Vĩnh Lộc) kiêm lý huyện Thạch Thành; huyện Cấm Thủy kiêm lý huyện Quảng Bình (nay đổi Quảng Tế); huyện Phụng Hóa kiêm lý huyện Lạc Thổ (nay đổi Lạc Hóa) và An Hóa.

- Nghệ An một phủ, một huyện: Phủ Anh Đô (nay đổi Anh Sơn) kiêm lý phủ Diễn Châu; huyện Nghi Xuân kiêm lý huyện Châu Phúc, (nay đổi Chân Lộc).

- Sơn Tây một phủ 6 huyện: Phủ Lâm Thao kiêm lý phủ Đoan Hùng; huyện Đông Lan (nay đổi Hùng Quan) kiêm lý huyện Tây Lan (nay đổi Tây Quan)3468 , huyện Bất Bạc kiêm lý huyện Minh Nghĩa (nay đổi Tùng Thiên); huyện Thạch Thất kiêm lý huyện Mỹ Lương3469 ; huyện Hạ Hoa (nay đổi Hạ Hòa) kiêm lý huyện Hoa Khê (nay đổi Cẩm Khê3470 , huyện Tam Dương3471 kiêm lý huyện Sơn Dương3472 và Đương Đạo (nay đổi Đăng Đạo).

- Sơn Nam 7 huyện: Huyện Sơn Minh kiêm lý huyện Hoài An; huyện Kim Động kiêm lý huyện Thiên Thi3473 ; huyện Phù Dung (nay đổi Phù Cừ) kiêm lý huyện Tiên Lữ3474 ; huyện Thanh Liêm kiêm lý huyện Kim Bảng, huyện Duy Tiên kiêm lý huyện Bình Lục3475 ; huyện Vọng Doanh (nay đổi Phong Doanh) kiêm lý huyện Ý Yên; huyện Mỹ Lộc kiêm lý huyện Thượng Nguyên.

- Kinh Bắc 4 huyện: Huyện Hữu Lũng kiêm lý huyện Yên Thế3476 , huyện Gia Định (nay đổi Gia Bình) kiêm llý huyện Lang Tài, huyện Bảo Lộc kiêm lý huyện Lục Ngạn3477 ; huyện Võ Giàng kiêm lý huyện Quế Dương.

- Hải Dương 3 huyện: Huyện Gia Phúc (nay đổi Gia Lộc) kiêm lý huyện Thanh Miện; huyện Thanh Lâm kiêm lý huyện Chí Linh; huyện Thùy Đường kiêm lý huyện An Lão.

- Thái Nguyên 4 huyện, châu: Huyện Đại Từ kiêm lý huyện Phú Lương; huyện Phổ Yên kiêm lý huyện Bình Tuyền (nay đổi Bình Xuyên)3478 ; huyện Đồng Hỉ kiêm lý châu Vũ Nhai (Lê gọi là châu, nay đổi làm huyện); châu Định Bắc (nay đổi Định Châu) kiêm lý châu Văn Lãng (Lê gọi là châu, nay đổi là huyện).

Hạ lệnh cho Nguyễn Nghiễm giữ công việc ở Quốc Tử giám, Vũ Miên kiêm giữ chức Tế tửu. Lê Quý Đôn và Phan Lê Phiên giữ chức tư nghiệp.

Trịnh Sâm bảo bầy tôi rằng: "Trường học là nơi giáo dục nhân tài. Đế vương đời xưa không ai không cho việc học là việc trước nhất. Nước nhà ta, các bậc thánh vương nối tiếp trị vì, phép giáo dục rất đầu đủ, chọn người hiền, dùng người đức hạnh, thu được khá nhiều nhân tài. Ít lâu nay, thể văn dần dần biến đổi, học trò đục gọt tô điểm câu văn đã thành thói quen. Nay cần nghĩ cách thay đỗi tệ cũ, khen thưởng bồi dưỡng cho học trò trở thành người giỏi, để thu lấy công hiệu được nhiều người có tài". Sâm bèn hạ lệnh cho tế tửu và tư nghiệp, hàng ngày đến nhà Thái Học, hội hợp học trò giảng bàn sách Kinh, sách Sử; mỗi tháng cứ ngày mồng một và ngày rằm tập văn; mỗi năm cứ 4 tháng trọng3479 thi khảo xét duyệt, nhất thiết theo như phép thi. Trong số học trò có người nào học hỏi trội hơn, văn chương sâu rộng quán xuyến, thì kê tên tâu lên triều đình biết để cất nhắc trao cho quan chức. Ở ngoài các trấn thì do viên đề đốc học chính trong ti Thừa chính và hiệu quan (viên quan giữ chức dạy học ở phủ) cứ 4 tháng trọng, thi khảo học trò, theo như phép thi khảo ở trường Quốc Học. Về phần hiệu quan, thì xét theo sự chăm chỉ hoặc trễ biếng để cho thăng chức hoặc truất bãi. Do đấy phong thái học trò được phấn chấn dần.

Lời chua-Vũ Miên: Người xã Xuân Quan, huyện Lang Tài3480 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu thìn (1748) năm Cảnh Hưng.

Phan Lê Phiên: Người xã Đông Ngạc3481 , huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1757) năm Cảnh Hưng.

Tháng 10, mùa đông. Hoàng Văn Chất cướp Hưng Hóa, sau lại cướp Thanh Hoa. Triều đình sai bọn Trịnh Phương, Nguyễn Trọng Điển hội đồng với Nguyễn Đình Diễn đem quân ra đánh.

Hoàng Văn Chất quấy nhiễu cướp bóc các châu Mai, Châu Mộc thuộc Hưng Hóa; sau đấy chia quân đi cướp các động, các sách Quan Gia, Cổ Lũng, Thiết Úng, Ái Chữ và Bất Mộc thuộc Thanh Hoa; rồi lại lập mưu đánh úp huyện Phụng Hóa, định nhân đấy chiếm cứ châu Lang Chính để nhòm ngó An Trường. Quân chúng của hắn gồm hai vạn người. Văn thư cáo cấp ở hai trấn cùng một lúc về đến triều đình. Trịnh Sâm bèn hạ lệnh cho thiếu phó Phương Nghĩa hầu Trịnh Phương đem binh lính bản bộ đến Hưng Hóa, Điển Vũ hầu Nguyễn Trọng Điển đem binh lính bản bộ đến Thanh Hoa, theo quyền viên trấn thủ Nguyễn Đình Diễn, hội hợp quân sĩ tiến hành. Văn Chất liền chạy trốn.

Lời chua-Trịnh Phương: Tộc thuộc của họ Trịnh.

Hưng Hóa và Thanh Hoa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 20, 21, 30, 31, 33, 35).

Mai Châu: xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (Chb. XXXVI, 3).

Mộc Châu: Xem Bình Định Vương, năm thứ 10 (Chb. XIV, 15).

Quan Gia: Tên châu, thuộc phủ Thọ Xuân.

Cổ Lũng và Thiết Ứng: Đều tên sách, thuộc huyện Cẩm Thủy,

Ái Chử: Tên động, thuộc châu Quan Gia.

Bất Một: Tên động, thuộc châu Lang Chánh.

Phụng Hóa: Tên huyện, xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 1, 2).

Lang Chánh: Tên châu, thuộc phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa.

An Trường: Tên xã, xem Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVI, 1, 2).

Trịnh Sâm đổi bổ Nguyễn Gia Dung làm tả thị lang bộ công.

Vợ Gia Dung, là Nguyễn Thị, làm nhũ mẫu Trịnh Sâm, vì Nguyễn Thị có công nuôi nấng, nên lúc Trịnh Sâm mới nối ngôi, Gia Dung đương giữ chức trông coi hình phiên được thăng ngay lên thái tử thiếu bảo, tước quận công. Đến nay, Gia Dung xin nhận chức kém xuống hai trật mà cho đổi sung văn ban. Trịnh Sâm chuẩn y.

Lời chua-Thái tử thiếu bảo: Theo quan chức chí triều cố Lê, thái tử thái bảo hàm tòng nhị phẩm, thị lang hàm tòng tam phẩm.

Mấy Tý, năm thứ 29 (1768). (Thanh, năm Càn Long thứ 33).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai hoạn quan Nguyễn Đình Huấn làm thống lãnh các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây và Hưng Hóa, đem quân đi đánh Thanh Châu.

Hoàng Văn Chất lén lút chiếm cứ động Mãnh Thiên, nhân địa thế hiểm trở để cướp bóc, chiếm lấy đất 10 châu. Lúc ấy triều đình cũng chán về việc dụng binh, không để ý đến. Văn Chất bèn cướp Hưng Hóa, sau lại cướp Thanh Hoa. Quan quân chia đường tiến đánh, không sao thắng được. Đến nay, Hoàng Phùng Cơ, lưu thủ Sơn Tây, xin cùng với quân các đạo hội đồng càn quét, Trịnh Sâm chuyển y, bèn bổ dụng Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Hải Dương, sung làm hiệp thống lãnh, Phan Lê Phiên làm tán lý, Nguyễn Xuân Huyên làm hiệp đồng, cùng với chánh thống lãnh Nguyễn Đình Huấn hội hợp quân các đạo để tiến đánh.

Lời chua-Thanh Châu: Xưa gọi Mường Thanh, nay là đất châu Ninh Biên, thuộc Hưng Hóa3482 .

Mười Châu: Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu, Ninh Biên, Quảng Lăng, Hoàng Nham, Hợp Phì, Lễ Tuyền, Khiêm Châu và Tuy Phụ. Nay 4 châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Lai Châu và Ninh Biên thuộc Hưng Hóa; 2 châu Quảng Lăng và Hoàng Nham thuộc Vân Nam [Trung Quốc]; còn 4 châu Hợp Phì, Lễ Tuyền, Tuy Phụ và Khiêm Châu không khảo cứu được.

Tháng 3. Sâm phong hiệu quốc sư cho thầy học là Nguyễn Hoàn.

Trước kia, Trịnh Sâm ở Lượng Phủ, Hoàn chầu chực giảng nghĩa sách, vẫn được Sâm tri ngộ. Đến nay, Hoàn dâng bộ sách Tiềm long thực lục3483 , Sâm càng có lòng kính yêu. Theo chế độ cũ, viên quan giảng nghĩa sách trong phủ chúa, chưa có hiệu là quốc sư, nay Sâm hạ lệnh dùng hiệu quốc sư để gọi Nguyễn Hoàn.

Hạ chiếu tìm bộ Thiên Nam dư hạ lục.

Trước kia, về niên hiệu Hồng Đức3484 Thánh Tông hạ lệnh cho bầy tôi nho học là bọn Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận soạn định tập sách Chức quan chế bản triều (triều Lê) và điều lệ và điển chương, gồm 100 quyển, đặt tên sách là Thiên Nam dư hạ lục3485 . Đến nay, sách ấy tan tác mất nhiều, nên hạ chiếu tìm kiếm. Lúc ấy Ngô [Thì] Sĩ, hiến sát sứ Thanh Hoa, đem dâng sách ấy, triều đình hạ lệnh thưởng cho 30 lạng bạc.

Tháng 5, mùa hạ. Cấm thiện tiện bắt dân sở tại chạy trạm chuyển đệ văn thư.

Lúc ấy, những nơoi trạm đệ văn thư, phần nhiều có sự thiện tiện bắt dân phu phải phục dịch, làm náo động cả nhân dân ở ven đường. Bèn hạ lệnh từ sau phải theo phép trạm đệ. Nếu văn thư trong kinh phát ra thì dùng lính trong kinh chuyển đệ, văn thư ngoài trấn phát ra thì dùng lính ở trấn chuyển đệ, không được bắt dân sở tại một cách ngang trái.

Lời chua-Phép trạm đệ: Mỗi trạm có 10 lính trạm, một phó hiệu và hai đôi ngựa, phàm công văn đi lại chuyển đệ, từ Nghệ An qua Thanh Hoa, Sơn Nam đến kinh sư, từ kinh sư chuyển sang Kinh Bắc đến Lạng Sơn.

Hạn hán. Dân bị đói to.

Nghệ An và các trấn Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam giá gạo cao vọt, nhân dân đói khổ, một trăm đồng tiền không đủ một bữa ăn no. Trịnh Sâm lấy làm lo, triệu bầy tôi bàn định chính sách cứu đói: hạ lệnh cho quan trấn Nghệ An hiểu bảo dân trong hạt, ai nộp thóc sẽ được trao cho quan chức, để lấy số thóc ấy phát chẩn cho dân nghèo; ti Hiến sát các trấn dò hỏi sự đau khổ ở dân gian, cấm các tuần ti và bến đò đánh thuế ngang trái. Do đấy, việc buôn bán trao đổi không đình trệ, giá gạo dần dần giảm xuống. Lại hạ lệnh cho nhà giàu Thanh Hoa nộp thóc, đem chứa ở kho Nghệ An, sẽ liệu lượng phong cho quan chức có từng cấp bậc.

Tháng 6. Đem ruộng bỏ hoang ở Hương Sơn cấp cho dân Cao Châu bị phiêu tán.

Các động ở Cao Châu bị Duy Mật khống chế, dân bản thổ phiêu tán đi nơi khác, cùng đem nhau quy phụ với triều đình.

Bèn hạ chiếu đem ruộng bỏ hoang ở Hương Sơn cấp cho họ cày cấy.

Lời chua-Hương Sơn: Tức Đỗ Gia, xem Bình Định vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 21).

Cao Châu: Tức Trịnh Cao, xem Bình Định Vương năm thứ 2 (Chb. XIII, 9).

Tháng 7, mùa thu. Bên mặt trời có quầng như hình mặt trời.

Bổ dụng Phan Lê Phiên làm đốc trấn Cao Bằng.

Trước đây, bàn hội hợp quân sĩ đi đánh mặt tây3486 , dùng Lê Phiên làm tán lý. Gặp lúc ấy, Nguyễn Trọng Hoành, đốc trấn Cao Bằng, vì bòn rút của dân làm của riêng mình, bị dân trong châu cáo tố, bèn hạ lệnh bổ Lê Phiên làm đốc trấn. Trọng Hoành không được yên tâm, việc cớ có bệnh, xin từ chức. Nhân đấy, bổ Trọng Hoành giữ chức tán lý mà dùng Lê Phiên thay làm đốc trấn Cao Bằng.

Đặt vệ binh ở Cao Bằng.

Mỗi châu đặt một vệ binh, mỗi vệ hai hiệu, châm chước theo phép vệ sở đặt ở ngoại trấn3487 từ năm Quang Thuận trước. Việc này là theo lời nói của Phan Lê Phiên.

Lời chua-Phép vệ sở: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 2).

Sửa quán Trấn Võ.

Lời chua-Quán Trấn Võ3488 : Nay ở xã Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận ngoài cửa Tây Bắc tỉnh Thành Hà Nội.

Tháng 8. Ánh sáng mặt trăng giao tiếp với ánh sáng Tuế Tinh.

Khởi phục Đoàn Nguyễn Thục giữ chức giám quân các đạo Thanh Hoa, Sơn Tây và Hưng Hóa.

Nguyễn Thục vì có tang mẹ về nhà, triều đình đã hai lần khởi phục làm thiêm đô ngự sử, đều cố từ chối. Gặp lúc ấy triều đình sai quân đi đánh Thanh Châu, nhân đấy, Nguyễn Thục xin tòng quân, vì thế mới có lệnh khởi phục ấy.

Tháng 10, mùa đông. Khôi phục lại số lấy đỗ ở Trường Thi Sơn Nam.

Theo thể lệ cũ, số lấy đỗ ở trường thi Sơn Nam: kỳ đệ tam lấy đỗ 1. 000 người kỳ đệ tứ lấy 100 người. Khoảng niên hiệu Chính Hòa3489 , vì học trò làm náo động trong trường thi, nên số lấy đỗ theo ngạch cũ bị rút bớt đi. Đến nay, học trò, trong trấn lại nhờ nội giám Phạm Huy Đĩnh trình bày xin giúp, Trịnh Sâm chuẩn y, hạ lệnh cho khôi phục lại ngạch cũ.

Lời chua-Rút bớt ngạch cũ: Số lấy đỗ kỳ đệ tam, kém ngạch cũ 200 người, kỳ đệ tứ kém ngạch cũ 20 người.

Bọn Dương Sử, quan chấm trường thi Nghệ An, vì có tội bị giáng chức.

Khoa thi Hương năm ấy, vì có người nói trường thi Nghệ An lấy tên Nguyễn Ky đỗ là quá lạm. Triều đình hạ lệnh thi lại, quả nhiên tên Ky không làm nổi bài, bỏ quyển giấy trắng. Bọn Dương Sử và Nguyễn Duy Thức giữ chức chấm thi tring thi viện, đều vì cớ lấy đỗ hoặc đánh hỏng không tinh tường, phải tội giáng chức.

Lời chua-Dương Sử: Người xã Lạc Đạo, huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754) năm Cảnh Hưng.

Nguyễn Duy Thức: Người xã Vọng Nguyệt, huyện Yên Phong, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1763) năm Cảnh Hưng.

Kỷ Sửu, năm thứ 30 (1769). (Thanh, năm Càn Long thứ 34).

Tháng giêng, mùa xuân. Thống lãnh đoàn Nguyễn Thục kéo quân vào Thanh Châu, bình định được động Mãnh Thiên.

Trước đây, Nguyễn Đình Huấn vâng lệnh đi đánh giặc Hoàng Công Chất, khi kéo quân đến Cổ Pháp, chần chừ không tiến quân, nhiều lần Trịnh Sâm sai người thúc giục, Đình Huấn bèn tiến quân đóng ở Việt Sơn, bắt dân cung cấp lương thực, dân đều trốn tránh, lùng bắt không được người nào, ngờ có quân mai phục, trong bụng càng sợ hãi, bèn bàn kế rút quân về. Bọn Phạm Ngô Cầu cũng phụ họa với lời bàn của Đình Huấn, tán lý Vũ Huy Đĩnh không sao quyết đoán được, chỉ có giám quân Đoàn Nguyễn Thục cố tranh cải, cho là không nên rút quân.

Bọn Đình Huấn liền cho người phi ngựa đệ tờ khải nói: "Trong quân lương ăn không được kế tiếp, tiến thoái đều khó. Vả lại quân sĩ nhiều người mắc bệnh, xin cho thuốc thang cứu chữa". Lúc ấy, Nguyễn Thục cũng làm tờ khải trình bày theo, nói rõ là Đình Huấn hiệu lệnh không thống nhất; khinh rẽ lấn át tướng hiệu: buông lỏng cho quân lính đi cướp bóc; chần chừ không chịu tiến quân; tất cả mười việc.

Đương đêm, Trịnh Sâm nhận được tờ khải của Đình Huấn, đã có ý không bằng lòng, cho trệu các quan trong chính phủ vào bàn định, nghiêm khắc quở trách Đình Huấn. Tiếp đó lại thấy tờ khải của Nguyễn Thục, Trịnh Sâm nổi giận nói: "Ta vẫn biết Đình Huấn không thể dùng được, nay quả nhiên như thế". Lập tức hạ lệnh triệu Đình Huấn về, mà bổ Nguyễn Thục kiêm giữ chức thống lãnh các đạo Sơn Tây, cầm quân thay Đình Huấn, lại đổi bổ Vũ Huy Đĩnh giữ chức giám quân, Nguyễn Trọng Hoành giữ chức tán lý.

Lúc ấy, nghịch Chất đã mất, con là Công Toản tự xưng là quốc công, thống suất đồ đảng vẫn chiếm cứ khu đất này. Nguyễn Thục sau khi đã thay làm tướng, quyết kế tiến đánh, cầm gươm ra lệnh cho tướng sĩ rằng: "Nếu người nào không theo mệnh lệnh, sẽ trông vào thanh kiếm này". Tướng sĩ không ai là không run sợ. Nguyễn Thục bèn tiến quân vào Thanh Châu, quân trẩy đến đâu không xâm phạm tơ hào gì của dân cả. Công Toản giữ ở Thẩm Cô để kháng cự lại, các nơi xung yếu đều có đặt quân mai

phục. Nguyễn Phục sai toán quân nhanh nhẹn sắc bén tiến lên trước đánh úp, tiếp đó sai toán quân mạnh khỏe theo đường tắt hợp sức cùng đánh, phá tan được quân địch. Công Toản lỏn chạy sang Vân Nam. Nguyễn Thục vào chiếm lấy thành, sai quan quân chia đường truy nã, bắt được quân nhu, khí giới và thóc lúa tích trữ không sao kể xiết, bèn sang phẳng cả thành, rồi kéo quân trở về.

Sau bàn công đánh dẹp: Nguyễn Thục tuy có công tiến đánh, nhưng sau khi hạ được thành, không lập tức đuổi theo, để nghịch Toản chạy thoát được, nên chỉ được thăng hai bậc, trao cho chức tự khanh; Đình Huấn vì nhút nhát rút lui nên phải giáng chức và tước mất lộc binh dân. Còn các người khác đều căn cứ vào công hoặc tội, mà cho thăng chức hoặc truất giáng có từng bậc khác nhau.

Định thuế đất bãi.

Hạ lệnh cho quan trong ba ty ở các trấn đi khám thực, xem đất bãi nào hiện trồng được lúa, dâu, khoai, đậu, để định ngạch thuế.

Tháng 2. Miễn tô thuế năm nay cho trấn Hưng Hóa..

Nguyễn Thục lấy cớ rằng động Mãnh Thiên mới được bình định, nhân trình bày cách khu xử hơn mười việc. Đại lược nói: "Dân trong châu sau khi qua loạn lạc, số người xơ xác hao hụt, thị tộc người Man, người Nùng áo xanh phần nhiều nay đây mai đó theo tục di cư của họ, tù trưởng ở phiên trấn buông lỏng kỷ luật, lúc phụ thuộc vào nhà Thanh, lúc theo về nước Lào, không nhất định thuộc về nước nào cả. Vậy xin bàn luận rộng ơn thương dân, định lại điều lệ, để cho dân mười châu được biên tên vào sổ hộ khẩu nước ta mãi mãi". Trịnh Sâm hạ lệnh hết thảy các việc đều cho thi hành. Vì thế, hạ chiếu tha thuế tô năm nay cho các châu thuộc Hưng Hóa cùng người Nùng, các người Man ở Sơn Trang; lại tha những thuế còn thiếu; cấm hẳn việc thiện tiện mua phẩm vật, tha tội cho các tù trưởng và vẫn được làm thổ tù; binh lính bản thổ ở các châu thì liệu lượng suất số chia thành từng hiệu để điều tự giữ lấy đất đai. Một mặt, hạ lệnh cho viên quan ở trấn nghiêm cấm thổ tù không được theo thói cũ đánh cướp lẫn nhau, không được theo ý riêng nối ngôi tù trưởng, không được thiện tiện giết hại thổ dân trong hạt. Lại cấm dân các châu châu Lai Châu, Luân Châu, Chiêu Tấn và Quỳnh Nhai không được bắt chước mặc kiểu áo người nhà Thanh và nộp tô thuế riêng biệt.

Tháng 3. Sâm truất ngôi hoàng thái tử Duy Vĩ, rồi bắt giam vào ngục.

Thái tử lúc còn nhỏ, thông minh, nhanh nhẹn, xem rộng sách Kinh, sách Sử, đối với sĩ phu rất lễ độ; thần dân không ai là không mến yêu thái độ, dung nghi. Trịnh Doanh rất trọng tài của thái tử, nên đem con gái trưởng là Tiên Dung quận chúa gã cho. Thái tử vẫn bực tức về nỗi nhà Lê mất quyền bính, khẳng khái có chí thu nắm lấy quyền cương. Trịnh Sâm lúc lớn lên làm thế tử, đối với thái tử, hắn vẫn ghen ghét về địa vị tài năng. Một hôm, thái tử và Sâm cùng ở phủ đường được chúa Trịnh ban cho ăn cơm và bảo cùng ngôi một măm, lúc ấy vợ Trịnh Doanh là Nguyễn Thị ngăn đi và nói: "Thế tử, với thái tử có danh phận vua tôi, lẽ nào được ngồi cùng mâm? Nên phân biệt ngồi làm hai chiếu". Sâm đổi nét mặt, bước ra về, nói với người ngoài rằng: "Ta với Duy Vĩ hai người, phải một chết một sống, quyết không song song cùng đứng với nhau được".

Kịp khi Sâm nối ngôi, bàn vụng với hoạn quan Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh định mưu truất bãi thái tử, nhưng không có lẽ gì buộc tội, bèn vu cho thái tử tư thông với người phủ thiếp của Trịnh Doanh, rồi đem tội trạng ấy tâu bày với nhà vua bắt thái tử giam vào ngục.

Trước đây, trong giếng Tam Sơn ở sau cung điện, bổng nhiên có tiếng như sấm, thái tử e rằng tất xảy ra tai nạn, nói để nhà vua biết; nhà vua thường cầu đảo cho thái tử được thoát nạn. Đến nay, thái tử biết tin tai nạn phát sinh, vào ở tiểm điện của nhà vua. Huy Đĩnh trước hết vào tìm khắp trong đông cung, nhưng không thấy, bèn vào thẳng điện đình kể tội trạng thái tử và nói với nhà vua rằng: "Tôi nghe biết thái tử ẩn nấp trong tiểm điện của bệ hạ, xin bắt giao cho tôi". Nhà vua ôm mãi lấy thái tử, không nỡ ly biệt. Huy Đĩnh cứ quỳ mãi ở dưới sân. Thái tử tự nghĩ không thể nào thoát nạn được, vừa khóc vừa lạy trước mặt nhà vua, rồi rảo chân bước ra chịu trói. Khi đưa về phủ chúa Trịnh, Huy Đĩnh bắt thái tử trút mũ ra để nhận tội, thái tử không chịu, nói: "Bỏ vua này, lập vua khác, bạo nghịch giết vua, là việc làm đã quen của nhà bay, chứ ta có tội gì đâu? Việc này đã có sử xanh chép để ngàn đời!" Trịnh Sâm giả thác mệnh lệnh của nhà vua, truất thái tử làm thứ nhân, rồi giam vào ngục.

Lời phê-Một việc vô cùng thê thảm, đau đớn đến ngàn đời. Đọc Sử đến đây làm cho lỗ mũi người ta phải chua xót! Việc này cùng với việc phá tường để bắt Phục Hậu3490 cùng một cảnh đáng đau lòng. Lại đáng giận lúc ấy khanh tướng đầy triều đình, mà không một người nào dám nói, chỉ có Nguyễn Lệ vì liên can mới phải tự tiết3491 mà thôi, như thế có thể trong triều lúc bấy giờ không có người nào ra gì cả. Đến cả Nguyễn Thị là mẹ Trịnh Sâm cũng không nói một lời để giải cứu, thế thỉ bụng dạ Nguyễn Thị ra thế nào? Thà rằng trước kia đừng phân biệt chỗ ngồi lại còn hơn3492 . Đem so sánh với Vũ Thị3493 thì Nguyễn Thị còn kém nhiều lắm. Lời chua-Giếng Tam Sơn: Nay ở sau điện Long Thiên thuộc tỉnh thành Hà Nội.

Nguyễn Thị, vợ Trịnh Doanh: Người xã Thịnh Mĩ, huyện Lôi Dương, mẹ đẻ của Tiên Dung quận chúa.

Tháng 4, mùa hạ. Sao Thái Bạch xuất hiện ban ngày.

Tháng 5. Sao Thiên Cẩu xuất hiện, ánh sáng suốt bầu trời, có tiếng như sấm.

Lời chua-Mục "Thiên văn chí" trong Tiền Hán thư chép rằng: Sao Thiên cẩu hình dáng giống sao lớn đổi ngôi. Mạnh Khanh nói: Sao Thiên Cẩu có đuôi, bên cạnh có hình cái chổi, bên dưới có hình con chó, sao này cũng là tinh khí của sao Thái Bạch. Người xem thiên văn nói là triệu chứng phá quân, giết tướng. Chó là giống vật biết giữ nhà và chống kẻ gian.

Kén vệ binh ở bốn trấn.

Vì sắp dụng binh đánh Trấn Ninh, bèn hạ lệnh cho viên quan có trách nhiệm chiểu theo số ngạch lính năm Canh Thân (năm Cảnh Hưng thứ nhất, 1740) kén chọn lính để bồ sung, sẽ phân phối cho lệ thuộc vào đội ngũ, để phòng bị khi trưng dụng xuất quân).

Tháng 7, mùa thu. Sao Chổi xuất hiện.

Sao Chổi xuất hiện dài suốt bầu trời, đường đi chỉ về phương tây nam, 42 ngày mới lặn.

Tháng 8. Trịnh Sâm tự tiến phong làm thượng sư Tĩnh vương.

Sâm giả thác mệnh lệnh nhà vua, tự tiến phong làm đại nguyên soái tổng quốc chính, thượng sư Tĩnh vương.

Lập Duy Cận làm hoàng thái tử.

Duy Cận là con thứ tư của nhà vua. Sau khi Duy Vĩ đã bị truất, Duy Cận ra vào phủ chúa Trịnh, tôn thờ mẹ Trịnh Sâm là thái phi Nguyễn Thị rất kính cẩn, Sâm tâu nhà vua xin lập làm hoàng thái tử.

Thanh Hoa có thủy tai lớn, đê Tây Hồ ở Lam Kinh bị vỡ.

Sâm sai tướng là bọn Bùi Thế Đạt đi đánh Trấn Ninh.

Trước kia, Duy Mật thì thọt ra vào vùng Sơn Tây và Thanh Hoa, sau vào Trấn Ninh, chiếm cứ thành Trình Quang, dần dần số người đông, của cải nhiều, kiêm tính các người Lào ở châu Quỳ, châu Trà, châu Cao, châu Hợp bắt họ phải phục dịch lệ thuộc vào mình, thế lực có phần cường thịnh. Trịnh Doanh nhiều lần sai quân đi đánh, nhưng vì chỗ ấy vừa hiễm trở vừa xa xăm, không thể nào đánh được. Lúc Trịnh Sâm mới lên ngôi, sai Nguyễn Mậu Dĩnh, tham nghị Nghệ An, đem sắc thư đi, nhưng không

được vào thành, phải trở về. Đến nay quyết kế dùng mưu đánh dẹp. Trước hết đem việc ấy bảo rõ cho binh lính biết, rồi sai Bùi Thế Đạt làm thống lãnh Nghệ An, Nguyễn Phan làm chánh đốc lãnh Thanh Hoa, Hoàng Đình Thể làm đốc lãnh Hưng Hóa, điều động binh mã ba đạo đi đánh Trấn Ninh.

Lời chua-Hoàng Đình Thể: Người xã Hà Thượng, huyện Hậu Lộc3494 , đỗ tạo sĩ.

Sơn Tây, Thanh Hoa, Nghệ An, Hưng Hóa: Đều xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb, XXI, 16, 18, 19 20-23, 27, 28, 30, 33, 35).

Quỳ Châu và Trà Châu: Đều xem Bình Định vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 17, 20, 21).

Cao Châu: Tức Trịnh Cao, xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chb. XIII, 9).

Quy Hợp: Xem Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chb. XVIII, 8).

Phủ Trấn Ninh: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (Chb. XXIII, 30, 31).

Thành Trình Quang: Thuộc phủ Trấn Ninh.

Tháng 10, mùa đông. Trịnh Sâm bổ dụng Nguyễn Lệ và Lý Trần Thản giữ chức tả, hữu tư giảng, để dạy con là Khải (có một tên nữa là Tông).

Lời chua-Lý Trần Thản: Người xã Lê Xá, huyện Duy Tiên3495 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1769) năm Cảnh Hưng.

Tháng 12. Xã An Lệnh mưa ra máu.

Lời chua-An Lệnh: Tên xã, xem năm thứ 22 ở trên (Chb. XLII,9).

Sét đánh núi Bia đá thuộc Phú Yên, sắc đá thay đổi hết.

Quãng núi Bia đá thuộc Phú Yên bị sét đánh, đá sắc đen đổi hết thành sắc trắng, đứng xa trông bia đá đứng sững hình như vôi trắng. Duệ Tông Hiếu Định hoàng đế ta sai quan cầu đảo.

Lời chua-Núi Bia đá: Ở phía đông huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Thế núi tròn và nhọn, đá đỉnh núi đứng sững, sắc đen. Tương truyền Thánh Tông nhà Lê vào Nam đánh Chiêm Thành, mở đất đến đây. Trên vách đá cheo leo ở đỉnh núi, nhà vua sai mài sườn núi khắc chữ vào đá để làm chổ chia giới mốc với Chiêm Thành, cho nên gọi tên là núi Bia đá.

Canh Dần, năm thứ 31 (1770). (Thanh, năm Càn Long thứ 35).

Tháng giêng, mùa xuân. Bùi Thế Đạt và Nguyễn Phan tiến quân đánh phá được Lê Duy Mật ở gò cao thành Trình Quang. Duy Mật tự gieo mình vào đống lửa chết. Hạt Trấn Ninh được bình định.

Duy Mật giữ lấy chỗ gò cao thành Trình Quang, dựa vào hang hốc núi non làm kiên cố. Được tin quân ba đạo kéo vào, hắn muốn cố chết giữ vững lấy thành, rồi cho toán quân lưu động lẻn ra đón đường chặn đánh làm cho quan quân mỏi mệt. Thế Đạt và Nguyễn Phan đốc suất quân hai đạo Thanh, Nghệ, bám sát sườn núi tiến vào, đánh phá ở các xứ Trình Ban và Bạn Xung, nhiều lần được thắng trận, nhân đấy tiến sát đến ngoài gò cao thành Trình Quang, chia ra đặt doanh trại. Duy Mật cho quân đóng yên một nơi không hành động, hai viên tướng chưa biết thực hư thế nào không dám cho quân tiến thẳng vào. Gặp lúc ấy, Hoàng Ngũ Phúc chiêu dụ được mẹ tên Lại Thế Thiều là viên tướng của Duy Mật, Ngũ Phúc sai mụ này viết thư dụ dỗ Thế Thiều để làm nội ứng. Thế Thiều là con rễ Duy Mật, khi nhận được thư của mẹ, bèn nhị tâm với Duy Mật, hắn ngầm khuyên đồ đảng là Lê Văn Bản mở cửa thành ngoài cho quan quân tiến vào. Khi quan quân đã vào, bèn bắc thang trèo lên bắn vào trong thành, tiếng súng suốt

ngày đêm không ngớt. Duy Mật tự biết rằng đã vỡ lỡ ngay từ trong nhà rồi, liền tụ tập vợ con, rồi tung lửa đốt để tự chết cháy.

Bọn Thế Đạt vào thành, thu thập được khí giới, ngựa, voi, và vàng lụa kể cả hàng vạn. Dùng thổ tù là Lư Cầm Uẩn, Lư Cầm Khâm làm chánh xà và phó xà3496 để giữ đất ấy. Trấn Ninh hết thảy đều bình được.

Sau bàn luận công đánh dẹp, gia phong Bùi Thế Đạt làm đại tư đồ, Nguyễn Phan làm thái tể, Hoàng Đình Thể làm thiếu bảo; còn tán lý, tham mưu, giám quân và tướng hiệu đều thăng thưởng có từng cấp bậc khác nhau.

Trước đây bàn định việc dùng quân đánh Trấn Ninh, các quan trong ngoài đều cho là khó, vì chỗ ấy vừa hiễm trở vừa xa xăm, chỉ một mình Trịnh Sâm đoán trước là tất thắng, cho nên mưu mô đánh dẹp đều do Sâm vạch ra, thành thử cuối cùng mới có thể thu được toàn thắng. Nhưng cũng về việc thắng trận này mà mới sinh ra lòng thích đánh dẹp, khinh thường việc dùng binh lính.

Lời chua-Lại Thế Thiều: Người xã Quang Lãng, huyện Tống Sơn, con cháu công thần Lại Thế Cường.

Lê Văn Bản: Người xã Xuân Dương, huyện Yên Khánh.

Động Trình Ban: Thuộc châu Mai Sơn, Hưng Hóa.

Động Bạn Xung: Thuộc phủ Trấn Ninh, Nghệ An.

Tháng 3. Bãi binh lính tứ trấn về làm ruộng.

Vì cớ đã bình định được Trấn Ninh.

Mồng một, tháng 5, mùa hạ. Nhật thực.

Tháng 7, mùa thu. Kén lính Thanh, Nghệ.

Lúc bắt đầu trung hưng, ngạch lính hai xứ Thanh, Nghệ, cứ ba suất đinh lấy một người, khoảng năm Bảo Thái giảm nhẹ đi, cứ năm suất đinh lấy một người3497 , sau lại cứ ba suất đinh lấy một3498 . Tiếp đó hàng năm số hộ khẩu nơi tăng nơi giảm không nhất định, viên quan có trách nhiệm cứ theo định ngạch để bắt lính sung bổ, nặng nhẹ không đều, rồi sinh ra sự đòi lính bỏ trốn, bắt lính còn thiếu số, không ngày nào yên. Dân gia bị điêu tàn, không có người để điền thế, số quân trong sổ mỗi ngày mỗi hao hụt. Các quan giữ công việc trong chính phủ xin phái quan đi khám xét tình thực để lấy lính sung bổ một cách công bình. Triều đình bèn sai Bùi Thế Đạt, trấn thủ Nghệ An, khám xét bổ sung binh lính trong hạt mình cai quản; quan trong kinh là Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục đi khám xét để bổ sung lính Thanh Hoa.

Tháng 10, mùa đông, Trịnh Sâm tự gia phong làm thượng sư thượng phụ, duệ đoán văn công võ đức Tĩnh vương.

Sâm tự nhận là công đức ngày càng lừng lẫy, bèn giả thác mệnh lệnh nhà vua tự tiến phong là đại nguyên soái tổng quốc chính, thượng sư thượng phụ, duệ đoán văn công võ đức Tĩnh vương.

Tháng 12. Định phép đánh thuế tơ và muối.

Theo chế độ cũ, hiệu tả giáp, tả ất (thuộc tả trung cung) giữ về việc tơ, thu thuế tơ để cung cấp vào việc may nhung phục, mà không đánh thuế đất bãi; thuế muối thì không căn cứ vào số ruộng, chỉ thu thuế những bếp hiệu nấu muối. Sau, tơ sống để tích lũy lâu ngày, mục nát không sao dùng được, mà dân gian bỏ thiếu cũng nhiều; về các hộ nấu muối thì nhà giàu nhà nghèo không đều, họ đem tình tệ riêng tố khổ lẫn nhau; lại có khi một thửa ruộng mà hai lần thu thuế muối, táo đinh không sao chịu nổi

sự nặng nề, viên trưng phủ (tên quan) sớm tối thúc giực mà mười phần không thu được một phần. Đến nay, bàn xá hết số còn bỏ thiếu lâu ngày của hai hạng thuế ấy. Từ nay, về thuế tơ thì cho thì cho chiết nạp theo số dật, diêm hộ thì căn cứ vào số ruộng hiện làm muối để thu thuế. Hộ phiên không đánh thuế thổ sản nữa.

Lời chua-Số dật: Sách Mạnh Tử tập chú chép mỗi dật 24 lạng. Trinh Khang Thành nói mỗi dật 30 lạng. Lại Sử ký chép từ nhà Hán trở về trước dùng dật để định bản vị loài kim. từ nhà Hán trở về sau dùng cân để định bản vị loài kim, mỗi dật 24 lạng, mỗi cân 16 lạng.

Thuế tơ: Tơ trắng mỗi dật nộp thuế 5 tiền; tơ vàng mỗi dật nộp thuế 3 tiền 20 đồng.

Thuế muối: Ruộng muối công mỗi mẫu nộp thuế 8 tiền; ruộng muối ở ngoại đê mỗi mẫu nộp kém đi 2 tiền; ruộng muối tư mỗi mẫu nộp 3 tiền.

Tân Mão, năm thứ 32 (1771). (Thanh, năm Càn Long thứ 36).

Tháng giêng, mùa xuân. Định Phép thay đổi cho các viên phủ, huyện đã mãn hạn khảo công.

Định phép: Các viên phủ, huyện tại chức đủ 6 năm là một kỳ hạn.

Lại hạ lệnh: Những phủ hoặc huyện trước kia cho kiêm lý, nay lại chia ra cai trị như cũ.

Trước đây, các phủ, huyện hoặc hợp lại hoặc giảm bớt đi, mà cho các phủ huyện tiếp cận kiêm lý3499 . Dân gian cho đó là việc mới đặt ra có ý không thích. Các quan trong chính phủ bàn định, lấy cớ rằng gần đến khoa thi hương, nên chiếu theo vị trí các phủ huyện đã chia đặt từ trước để tiện việc khảo hạch học trò. Trịnh Sâm y cho; duy các châu, huyện ven núi thuộc ngoại trấn vẫn cho kiêm lý.

Tháng 3. Thổ quan châu Tư Lăng nhà Thanh trã lại đất châu Lộc Bình.

Lúc ấy, dân thổ châu Tư Lăng, tranh chiếm địa giới xã Tĩnh Gia thuộc châu Lộc Bình. Triều đình hạ lệnh cho Phạm Đồng Viện, đốc đồng Lạng Sơn, sai người đi phân giải. Quan châu Lộc Bình bèn trả lại đất ấy, sau đó lại đem dâng ngựa để tạ lỗi.

Lời chua-Phạm Đồng Viện: Người xã La Đôi, huyện Thanh Lâm3500 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng.

Tĩnh Gia: Tên xã, thuộc châu Lộc Bình, Lạng Sơn.

Châu Tư Lăng: Thuộc tỉnh Quảng Tây, nhà Thanh.

Trịnh Sâm cho dời trấn lỵ Thanh Hoa đến xã An Lãng.

Sâm lấy cớ rằng phủ An Trường là nơi cỗi gốc, mà địa phận An Lãng tiếp giáp với An Trường, nên hạ lệnh dựng lỵ sở của trấn Thanh Hoa ở đây để cai trị.

Lời chua-Phủ An Trường: Xem Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVIII, 4).

An Lãng: Tên xã, thuộc huyện Thụy Nguyên, tỉnh Thanh Hoa.

Các huyện Kim Động, Nam Xang và Hoài An mưa ra đất.

Lời chua-Kim Động: Tên huyện, thuộc tỉnh Hưng Yên.

Nam Xang: Xem Anh Tông, năm Chính trị thứ 3 (Chb. XXVIII, 15).

Hoài An: Xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9).

Tháng 4, mùa hạ. Nước Nam Chưởng sang cống nạp.

Nam Chưởng là một bộ lạc của Nam Chiếu xưa, từ nhà Minh trở về trước gọi là Đại Man, đến nhà Thanh mới phong làm một nước. Đất nước này phía đông nam giáp Hưng Hóa, phía tây qua tây qua Nam Giang đến Tiêm La, phía bắc qua Mường Lự thông sang Vân Nam. Từ trước, nước này chưa cống nạp nước ta, đến nay mới thông hiếu.

Lời chua-Nam Chưởng: Theo Thông giám tập lãm thì Nam Chưởng tức Man Lão Qua xưa, phía đông nam tiếp giáp địa giới nước ta.

Khảo duyệt các quan phủ và huyện.

Bọn Nguyễn Nghiễm, giữ chính quyền trong phủ chúa Trịnh, dâng tờ khải nói: "Chức trách thú lệnh rất là gần dân, nếu không dùng được người tốt, thì dân sẽ bị tai hại. Ít lâu nay bộ Lại cất nhắc bổ dụng, chỉ dựa vào tư cách, vào năm tháng làm việc và công lao, không xem xét người ấy tốt hay xấu; đến việc trao chức cho các viên tá nhị nhị lại càng bừa bãi rối ren, do đấy mà quan lại làm việc chưa được trong sạch. Vậy từ nay xin khảo duyệt kỹ lưỡng hơn, chỉ cốt chọn lấy người nào tư cách và đường xuất thân cùng xứng đáng, lời nói và việc làm đều có thể thu dụng được, rồi định rõ kỳ hạn nhất tề hợp tập để xét thực, bấy giờ sẽ cho đi nhận chức". Trịnh Sâm y cho. Từ đấy phàm có cất nhắc bổ dụng các viên phủ, huyện, trước hết bộ Lại sát hạch, rồi đệ lên quan chính đường xét duyệt lại, mới cho đi nhận chức. Việc cất nhắc bổ dụng có phần cẩn thận được đôi chút.

Tháng 6. Dựng chùa Tiên Tích ở ngoài cửa Đại Hưng.

Lời chua-Chùa Tiên Tích: Nay ở thôn Nam Ngư, tổng Vĩnh Xương, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội3501 .

Mồng một, tháng 9, mùa thu. Nhật thực.

Bổ dụng. Lê Quý Đông làm tả thị lang bộ Công, quyền giữ chức đô ngự sử.

Trước kia, Quý Đôn làm phó đô ngự sử, thường dùng số bạc đút lót trong khi xét kiện để dâng chúa Trịnh, bèn được thăng chức Hữu thị lang bộ Hộ. Đến nay, nhân khi khám xét hạt Thanh Hoa trở về, lại dâng hơn một ngàn lạng bạc đã ăn của đút, nên do chức Hữu thị lang bộ Hộ thăng lên chức này.

Quý Đôn lại trình bày bốn việc: 1. Cống sĩ thi hội trúng được kỳ đệ tam phần nhiều xin lạm sắc nội hoàng gia ơn, nhảy qua tư cách trao chức vượt bậc. Xin xét thực, bắt trở về bậc cũ; 2. Hiến sát phó sứ và tham nghị là người có chuyên trách ở một địa phương, thế mà ít lâu nay những bọn cầu may để làm quan phần nhiều không do các quan trong triều đường bảo cử, chỉ lén lút cầu cạnh để được dự vào sự bổ dụng. Xin thu hồi lệnh trước, mà cho các quan trong triều đường bảo cử theo như lệ cũ; 3. Đất bãi ở các lộ xin phái các quan chia nhau đi khám lại; 4. Những dân xã ở các lộ, trước đây phụng mệnh được miễn trừ, gần đây vì chép lại sổ sách, rồi sinh ra sự thay đổi thêm bớt gian trá. Xin sai tín thần3502 xét thực để chỉnh đốn lại cho được đúng". Trịnh Sâm cho là phải lẽ cả, lập tức hạ lệnh thi hành.

Lời phê-Chỉ có tiếng mà không có thực, thì trước kia tự trình bày tội lỗi của mình, chẳng qua cũng chỉ vì nóng ruột muốn nhảy lên quan to mà thôi3503 . Lời chua-Nội hoàng: Ý nói sắc mệnh của trăm quan, nếu do nội điện vua Lê cấp phát thì giấy viết sắc dùng giấy màu vàng, nếu do phủ chúa Trịnh cấp phát thì dùng giấy lệnh trắng, cho nên sắc ở nội điện gọi là nội hoàng.

Thể lệ triều đường bảo cử: Trước đây các chức Hiến sát phó sứ và tham nghị có thể lệ phải do các quan triều đường bảo cử. Từ khi Phạm Bá Ưng, Hiến sát sứ Nghệ An,

vì hà khắc nhũng nhiễu bị bãi chức. Trịnh Sâm bèn hạ lệnh từ đấy các quan triều đường không được bảo cử.

Dân xã được miễn trừ: Dân ở các xã, hoặc có người vì trung nghĩa, hoặc có người am hiểu công việc làm thợ ở các cục, được miễn trừ đi lính và dao dịch.

Tháng 11, mùa đông. Ngô [Thì] Sĩ, tham chính Nghệ An, vì có tội, bị bãi chức.

Trước đây, Trịnh Sâm nối ngôi, người ta phao truyền câu sấm, nói Hoàng Ngũ Phúc có ý mưu toan làm sự trái phép. Sâm lấy làm ngờ.

Lúc ấy, Nguyễn Lệnh Tân nhà ở Tây Hồ, một hôm, triều sĩ hội hợp rồi bơi thuyền cùng vịnh thơ với nhau. Bài thơ của Ngô [Thì] Sĩ có câu "Tình vũ cánh nghi chu"3504 , câu này ý nói về phong cảnh trong hồ, sau có người đổi ra là "Thảo mộc khủng phi Chu"3505 , rồi đề đạt bài thơ ấy lên Trịnh Sâm. Trong phủ Trịnh Sâm lại thường nhận được thư nặc danh, xưng là triều sĩ dâng biểu, nói cần phải đề phòng Ngũ Phúc, bên ngoài người ta nói sai đi rằng "triều sĩ" tức là "Ngô Sĩ". Do đấy, Ngũ Phúc để tâm căm giận. Gặp lúc ấy, học trò trường Nghệ An khiếu tố về việc hai ti [Thừa chính và Hiến sát] khảo hạch không công bằng, vì thế triều đình bàn luận bãi chức Ngô Sĩ. Nhân đấy Ngũ Phúc luận tội thêm vào bốn chữ "hoàn dân thụ dịch"3506 . Từ trước đến nay, hạng văn thần phạm tội công, chưa có ai đến phải bãi chức [nay Thì Sĩ phải bãi chức], nên người ta đều ghét Ngũ Phúc là người nham hiểm độc ác.

Lời chua-Nguyễn Lệnh Tân: Người xã Phù Nguyên3507 , huyện Thụy Nguyên, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1763) năm Cảnh Hưng.

Tây Hồ: Có một tên nữa là Lãng Bạc. Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 11).

Tháng 12. Sâm giết thái tử cũ là Duy Vĩ và điện tiền hiệu điểm Nguyễn Lệ.

Sau khi thái tử đã bị giam, Sâm muốn giết đi, nhưng chưa tìm được chỗ sơ hở. Đến nay, Hoàng Ngũ Phúc và Phạm Huy Đĩnh nhờ người khác tố cáo vu ra rằng "bọn Trần Trọng Lâm và Nguyễn Hữu Kỳ cùng với bọn gia khách của thái tử là cống sĩ Vũ Bá Xưởng và tự thừa Lương Giản định mưu dấy quân, để cướp lấy thái tử ra khỏi ngục". Rồi Huy Đĩnh đem việc ấy nói cho Sâm biết. Sâm hạ lệnh bắt đem trị tội. Lương Giản trốn. Bá Xưởng bị bắt, tra tấn nghiêm ngặt, lời cung của Bá Xưởng liên can cả đến Nguyễn Lệ. Lệ nói: "Thái tử là người sẽ nối ngôi vua sau này của một nước, nay không có tội gì mà bị giam cầm nhục nhã, thì định mưu cướp lấy thái tử đem ra là một việc nghĩa, nhưng thực tình tôi không được dự biết việc ấy. Nay nếu bức bách về sự khảo tả mà thú phục xằng, thì không phải là người có dũng khí, việc không mà nói có, thì không phải là người có nghĩa. Vả lại, việc này bảo là Lệ này tự định mưu, họa chăng còn có lý, chứ thái tử ở trong nhà giam, đến vợ con cũng không được ra vào, thì Lệ này từ đâu để yết kiến thái tử mà cùng nhau mưu tính được? Bây giờ chỉ có việc chết mà thôi, chứ Lệ này chả biết nói gì cả!" Nguyễn Lệ bị khảo đả, nát hết da thịt mà vẫn không thay đỗi lời khai. Huy Đĩnh tự dựng thành bản án dâng lên. Sâm sai Huy Đĩnh thắt cổ giết thái tử, lại giết cả bọn Nguyễn Lệ và Bá Xưởng nữa. Sau lạ lệnh thu lấy sắc mệnh của Trần thụ là hoàng hậu đã mất và là mẹ đẻ thái tử; các con thái tử là Khiêm, Trù và Chi đều bắt đem giam cấm ở ngục Đề Lãnh.

Lời chua-Duy Khiêm: Sau đổi là Duy Kỳ, tức Mẫn đế [Chiêu Tông].

Duy Trù và Duy Chi: Sau đều bị giặc Tây Sơn giết.

Nguyễn Lệ: Người xã Thận Vi3504 , huyện Thượng Nguyên.

Vũ Bá Xưởng: Người ở Đan Luân, huyện Đường An3509 .

Lương Giản: Người xã Tào Sơn, huyện Ngọc Sơn3510 .

Điện tiền hiệu điểm: Giữ việc quản lãnh cấm quân trong cung Thái tử.