K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ X

Từ Canh Dần, Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 10 (1350) đến Quý Hợi, Trần Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 7 (1383), gồm 34 năm.

Canh Dần, năm [Thiệu Phong] thứ 10 (1350). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Người nhà Nguyên là Đinh Bàng Đức sang quy phụ nước ta.

Khi bấy giờ, nước Nguyên loạn, bốn phương giặc cướp như ong, các quan lại không thể chế trị được. Có người phường trò, tên là Đinh Bàng Đức, đem cả gia quyến sang quy phụ ta, được nhà vua dung nạp. Nước ta có trò leo dây bắt đầu từ đấy.

Tân Mão, năm thứ 11 (1351). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Châu Thái Nguyên và lộ Lạng Giang giặc cướp nổi dậy. Dẹp yên ngay.

Lời chua - Châu Thái Nguyên: Bây giờ là tỉnh Thái Nguyên.

Lộ Lạng Giang: Bây giờ là tỉnh Lạng Sơn. Cả hai, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19-20, 31-32).

Ngày mồng một, tháng năm, mùa hạ. Nhật thực.

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Dùng Trương Hán Siêu làm Tham tri chính sự.

Làng Thiên Cương có người con gái hóa ra con trai.

Lời chua - Thiên Cương: Tên làng (hương), thuộc Nghệ An.

Tên Trâu Canh có tội, được tha, không trừng trị.

Trâu Canh, là con trai Trâu Tôn, người nhà Nguyên. Khoảng năm Nguyên Phong (1251-1257), quân Nguyên vào lấn cướp, Trâu Tôn đi tòng quân sang nước ta. Khi giặc Nguyên thua, Tôn bị bắt. Vì biết nghề làm thuốc, Tôn được tha. Trâu Canh nối nghiệp cha, cũng do nghề làm thuốc mà nổi tiếng. Khi nhà vua mới lên bốn tuổi, đêm tết Trung thu, đi thuyền chơi Hồ Tây, bị ngã xuống nước, người ta vớt được ở chỗ bờ đập chắn nước để đơm cá thì đã gần tắt hơi. Thượng hoàng sai Trâu Canh chữa thuốc. Trâu Canh nói rằng dùng lối châm cứu thì sống lại được, nhưng chỉ sợ liệt dương thôi. Châm cứu rồi, quả nhiên như thế. Từ đó người ta khen Trâu Canh là tay thày thuốc thần diệu. Canh được thăng dần lên tước quan phục hầu, kiêm Thái y sứ. Đến khi nhà vua đã lớn, Canh lại dâng bài thuốc thì chứng liệt dương liền khỏi. Canh càng được nhà vua cưng chiều đặc biệt, cho ngày đêm được hầu thuốc thang ở trong cung. Canh, do đó, tư thông với cung nữ. Việc bị phát giác. Thượng hoàng muốn khép Canh vào tội tử hình, nhưng nhà vua cho Canh là người có công, nên tha tội cho.

Dùng Nguyễn Trung Ngạn làm Nhập Nội Hành Khiển, vẫn cứ giữ việc Xu mật viện.

Tháng 11, mùa đông. Điểm duyệt cấm quân ở điện Thiên An.

Nhà vua ngự ở điện Thiên An để duyệt cấm quân, cho Nguyễn Trung Ngạn mặc áo chiến bào, đội khăn quan võ, đeo cái nghiên thành gỗ vuông bốn cạnh và thếp vàng (lăng kim nghiễn), đi duyệt binh, nhật xét kẻ hơn, người kém.

Lời chua - Cái nghiên...: Làm bằng mảnh gỗ vuông bốn cạnh và thếp vàng, nên gọi là "lăng kim nghiễn"; đeo vào đai lưng, để tiện việc ghi chép.

Nhâm Thìn, năm thứ mười hai (1352). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 12).

Tháng 3, mùa xuân. Người Chiêm Thành là Chế Mỗ chạy sang ta.

Trước kia, vua Chiêm Thành là Chế A Nan khi còn sống, con là Chế Mỗ làm bố điền917 , con rễ là Trà Hoà Bố Để làm bố đề918 , hễ Bố Để nói câu gì hoặc bàn kế gì, chúa Chiêm cũng đều nghe theo. Khi nào Chế Mỗ phải quở trách, Bố Để lại liệu bài gỡ cho. Bề ngoài Bố Để làm ra thân thiết với Chế Mỗ, nhưng bề trong thì ngầm gây bè đảng, mua chuộc người trong nước, thế mà Chế Mỗ vẫn không biết. Kịp lúc A Nam mất rồi, người trong nước không theo Chế Mỗ. Bố Để mới đuổi Chế Mỗ mà tự lập làm vua. Đến đây Chế Mỗ chạy sang ta, dâng một con ngựa bạch, một con voi trắng, một con kiến càng khổng lồ, dài một thước chín tấc919 và các đồ sản vật địa phương, cầu xin dung nạp.

Lời chua - Chiêm Thành: Tức là Lâm ấp. Xem thuộc Tấn, Mục đế, năm Vĩnh Hoà thứ 9 (Tb. III, 20-21).

Bố Điền: Nghĩa là Đại vương.

Bố Đề: Nghĩa là tể tướng.

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Nước lên to, vỡ đê Bát, Khối, lúa má bị ngập; Khoái Châu, Hồng Châu và phủ Thuận An bị thiệt hại hơn cả.

Lời chua - Bát: Bát Tràng; Khối: Thổ Khối, tên hai xã, bây giờ thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Khoái Châu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 (Chb. V, 32).

Hồng Châu: Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 32).

Thuận An: Tên phủ, bây giờ là Thuận Thành, thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Quý Tị, năm thứ 13 (1353). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 13).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ chiếu cho các vương hầu chế tạo chiến cụ, rèn luyện quân sĩ.

Dùng Cung Định vương Phủ làm Hữu Tướng quốc.

Tháng 6, mùa hạ. Dùng quân đội đưa Chế Mỗ về nước Chiêm Thành, không được, phải rút về.

Trước kia, Hưng Hiếu vương vào trấn giữ Hóa Châu, Chế Mỗ mất ngôi vua, chạy sang nước ta, lâu mãi chưa xin được đưa về để lấy lại quyền vị, nhân đó mới kể cho Tước Tê nghe một câu chuyện cổ tích Chiêm Thành: "Xưa có một vua, nuôi một con khỉ lớn, rất yêu thích nó, muốn dạy cho nó học nói, bèn tìm khắp lấy người khéo nuôi dạy nó thì cho muôn nén vàng. Có một người tình nguyện xin nuôi dạy con khỉ ấy. Nhà vua lấy làm mừng. Người kia nói: Mỗi tháng phí tổn tiền thuốc đến trăm nén vàng, trong ba năm mới có công hiệu. Vua theo như lời. Người này có lẽ có ý cho rằng ông vua với mình và con khỉ kia, trong vòng ba năm chắc có một sẽ chết, nhưng hắn hãy được hưởng số vàng của vua mà chẳng lo công việc có thành hay không nữa. Chế Mỗ tới nay theo về với chúa thượng là thực bởi Hưng Hiếu vương chủ trương đấy; vậy mà tháng lại ngày qua, nay lần mai lữa, chưa biết bao giờ được về! Ấy, việc này

cũng chẳng khác gì câu truyện cổ tích kia". Bấy giờ nhà vua mới sai đưa Chế Mỗ về nước. Bộ binh đến Cổ Lũy, thủy quân tải lương không kịp, bèn trở về. Chế Mỗ ở lại nước ta, chưa được bao lâu thì chết.

Lời chua - Tước Tê: Họ và tên người. Tước Tê là một bầy tôi hạ cấp của Trần Minh Tông, vẫn hay đi lại với Chế Mỗ.

Cổ Lũy: Xưa là địa phận quận Nhật Nam; từ đời Đường trở về sau là đất Chiêm Thành; nhà nhuận Hồ920 lấy đất ấy đặt làm châu Tư và châu Nghĩa; nhà Lê hợp lại làm một, gọi là phủ Tư Nghĩa; bây giờ là tỉnh Quảng Ngãi.

Hóa Châu: Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 4 (Chb. I, 28).

Dùng Cung Tĩnh Vương Nguyên Trác làm tả tướng quốc.

Tháng 9, mùa thu. Nước Chiêm Thành vào cướp Hóa Châu. Quan quân đi đánh, bất lợi. Nhà vua sai Trương Hán Siêu quản lĩnh quân đội, trấn giữ Hóa Châu.

Vua nước Chiêm là Bố Để thấy việc đưa Chế Mỗ về không thành, lại càng kiêu rông ngang ngạnh, liền vào lấn cướp đất Hóa Châu. Quan quân đi đánh, bất lợi. Nhà vua vời Hán Siêu để bàn mưu. Hán Siêu thưa rằng: "Vì không nghe lời tôi nói, nên đến nỗi thế". Bấy giờ vua mới sai Hán Siêu quản lĩnh các quân Thần Sách, đi trấn thủ Hóa Châu.

Lời cẩn án - Về việc đối với Chiêm Thành, Hán Siêu mưu tính thế nào, Sử bỏ không chép, nay không thể khảo được. Giáp Ngọ, năm thứ 14 (1354). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 14).

Ngày mồng một, tháng 3, mùa xuân. Nhật thực.

Ở Lạng Châu và Nam Sách, giặc cướp nổi dậy.

Năm bấy giờ đói kém. Dân gian khổ về giặc cướp. Có kẻ tên là Tề, tự xưng là cháu ngoại Hưng Đạo đại vương, tụ họp những kẻ đi trốn trong số các gia nô của các nhà vương hầu, nổi lên làm giặc cướp, cướp bóc các vùng Lạng Giang và Nam Sách

Lời chua - Lạng Châu: Bây giờ là tỉnh Lạng Sơn. Xem Đinh Đế Toàn, năm Thái Bình thứ 11 (Chb. I, 14).

Nam Sách tức là Nam Sách. Xem ngang đời nhà Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (Tb. V, 22).

Tháng 9, mùa thu. Có nạn sâu cắn lúa. Xuống chiếu xá một nửa thuế ruộng.

Tháng 11, mùa đông. Có con hổ đen xuất hiện ở trong thành.

Tham tri chính sự Trương Hán Siêu mất.

Hán Siêu là người chính trực, hay bài bác dị đoan, có tài làm văn. Nhà vua chỉ gọi ông là thày, chứ không gọi tên. Nhưng ông hay khinh bỉ các bạn đồng liệt921 , không chịu giao du, chỉ chơi với bọn trung quan922 và y quan923 , đều là những kẻ không phải đồng điệu với mình. Tông chính Thái Khanh Lê Cư Nhân thường gọi ông là "thôn cầu cước"924 , ý nói người thôn quê đá cầu không trúng mấy, để ví với Hán Siêu liệu tính công việc có nhiều điều không thích đáng. Do chức tham tri chính sự, ông vào trấn ở Hóa Châu:

nơi biên giới lại được yên ổn. Đến đây, ông xin về, nhà vua y cho. Chưa đến kinh đô, ông mất, được tặng phong Thái Bảo.

Ất Mùi, năm thứ 15 (1355). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 15).

Tháng 2, mùa xuân. Núi Kính Chủ lở.

Lời chua - Kính Chủ: Xưa gọi là Thánh Chúa, ở xã Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hải Dương.

Động đất.

Tháng 3. Hạn hán đến mãi tháng 6, mùa hạ.

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Tháng 9. Sét đánh cổng Triều Nguyên và cửa nách hai bên tả, hữu.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Tháng 8 đã là mùa không có sấm, thế mà ở đây tháng 9 hãy còn sét đánh, và sét đánh có phải một chỗ đâu, thực là một sự lạ lắm! Trần Dụ Tông lên ngôi đến đây mới 15 năm, đã sáu lần nhật thực, ba lần thủy tai, ba lần hạn hán, một lần sâu cắn lúa, lại luôn năm mất mùa đói kém. Đến đây, từ mùa xuân đến mùa thu, nào là núi lở, nào đất động, không tháng nào không có tai biến! Ý chừng lòng trời phạt tội đại ác đại dâm, răn mầm biếng nhác chính sự. Thế mà trong đám cha con vua tôi vẫn cứ nhơn nhơn không hề lo âu: kẻ trên thì không chịu thật lòng xét mình, kẻ dưới thì không có mưu chước gì để cứu đời giúp nước; coi thường điềm trời mà không biết sợ, khinh bỏ việc người mà không lo toan! Qua năm sau, Trần Minh Tông mất, Dụ Tông rông rỡ chơi bời; giặc cướp từng đàn nổi lên, xui nên vận hội không thịnh đạt nữa, rồi ngôi báu nhà Trần suýt mất vào tay phường trò họ Dương! Đạo trời nào có xa đâu? Lời chua - Cổng Triều Nguyên: Tức là cổng chòi ở trước điện Thiên An.

Dùng Nguyễn Trung Ngạn làm nhập nội hành khiển thượng thư hữu bật, kiêm tri Xu Mật viện sự, sung Kinh Diên đại học sĩ trụ quốc khai huyện bá.

Trung Ngạn giữ chức trọng yếu, bảo toàn được tiếng tốt, nhưng tính hay khoe khoang, có làm bài thơ đại ý nói: Giới Hiên925 tiên sinh là bậc có tài tể phụ, tuổi trẻ đã có chí khí hăng hái như con cọp non nhăm nhăm chực nuốt tươi trâu. Mười hai tuổi đỗ thái học sinh; mười sáu tuổi vào thi đình; hai mươi bốn tuổi làm quan đài gián giữ việc can ngăn vua, hai mươi sáu tuổi đi sứ Yên Kinh926 . Đến đây, Trung Ngạn được cất lên giữ chức trong chính phủ; khi mất, 82 tuổi, có Giới Hiên thi tập lưu hành ở đời.

Lời cẩn án - Trung Ngạn là bậc đại thần, theo thể lệ của Cương mục (Trung Quốc), thì lúc mất, được chép vào sử, nhưng Sử cũ bỏ sót không chép, mà nay không biết rõ Trung Ngạn chết vào bao giờ, vậy xin chép phụ vào đây. Bính Thân, năm thứ 16 (1356). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 16).

Tháng 3, mùa xuân. Hai mặt trời rập rờn nhau.

Nhà vua rước Thượng hoàng đi tuần nơi biên giới, đến Nghệ An. Tháng 5, mùa hạ, trở về cung.

Tháng 8, mùa thu. Thượng hoàng se mình.

Thượng hoàng đến chơi đền Huệ Vũ Vương Quốc Trấn; lúc trở về, có con ong vàng đốt phải má bên tả, do đó nằm bệnh.

Lời chua - Đền Quốc Trấn: Ở núi Kiệt Đặc, huyện Chí Linh927 bây giờ vẫn còn.

Đinh Dậu, năm thứ 17 (1357). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 17).

Tháng 2, mùa xuân. Thượng hoàng mất.

Trước kia, Thượng hoàng là con vợ thứ lên nối ngôi, rồi người đích mẫu là Bảo Từ thái hậu sinh được người con trai, Thượng hoàng hớn hở, có ý muốn trả lại ngôi vua cho con của đích mẫu. Khi bấy giờ Anh Tông vắng mặt vì đang đi tuần ở nơi biên giới, gặp ngày đầy tuổi tôi của người con đích mẫu ấy, Thượng hoàng sai làm theo lễ đầy năm của thái tử, các quan lấy làm khó nghĩ. Thượng hoàng nói rằng: "Cứ phải lẽ mà làm, việc gì mà khó nghĩ?". Được một năm nữa, người con đích mẫu ấy chết, Thượng hoàng thương tiếc một cách quá đặc biệt.

Thượng hoàng thường dạy các hoàng tử rằng: "Ai mà trì khu làm giàu, co cỏm bỏn sẻn, thì không phải là con ta. Thà rằng hào phóng mà phải nghèo, dẫu không khỏi túng thiếu đấy thật, nhưng vẫn không phi tiếng là con nhà sang".

Thượng hoàng lại thường nói: "Ông vua dùng người, không phải có thiên vị với ai đâu. Nếu ta thực là người hiền, thì những người mình dùng được cũng hiền; ấy như Nghêu, Thuấn với Tắc, Tiết, Quỳ, Long đấy. Nếu như không phải là người hiền, thì những người mình dùng cũng không phải là hiền; ấy như Kiệt, Trụ với Phi Liêm, Ác Lai đấy. Đó là cái lẽ thanh ứng khí cầu, loài nào đi thứ ấy, chứ có tây vị ai được đâu?".

Khi ngài se mình, có người xin dâng thuốc và cầu cúng, Thượng hoàng đều từ chối cả. Nhân bấy giờ các hoàng tử đang ngồi hầu ở bên, ngài phán bảo: "Cứ xem việc làm của cổ nhân, điều hay thì bắt chước, điều dở thì tránh xa, chứ cần gì phải phiền cha phải dạy bảo?". Khi bệnh kịch, ngài sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem bản thảo những thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn chần chừ. Ngài dụ bảo rằng: "Các vật đáng tiếc còn không tiếc được thay, huống chi những thơ ấy còn tiếc làm gì!".

Thượng hoàng mất ở cung Bảo Nguyên. Tên thụy là Chương Nghêu Văn Triết hoàng đế, miếu hiệu là Minh Tông, ở ngôi 15 năm, nhường ngôi 28 năm, thọ 58 tuổi.

Lời phê - Thiên lệch một chiều928 . Lời bàn của Phan Phu Tiên - Minh Tông có tư chất nhân hậu, nối nghiệp thái bình, không thay đổi phép tắc của ông cha đã định. Khi bấy giờ có người học trò dâng sớ nói rằng: "Dân gian nhiều kẻ du thủ du thực, đến tuổi già vẫn không có tên trong sổ hộ, mà lại không đóng góp phú thuế và sưu dịch". Ngài bảo: "Nếu không như thế thì sao gọi là cảnh đời thái bình? Nhà ngươi lại muốn ta bắt chúng nó làm nên trò trống gì nữa!". Triều thần là Lê Bá Quát và Phạm Sư Mạnh đều muốn thay đổi chế độ. Ngài nói: "Nước nhà đã có nền nếp sẵn rồi, nếu nghe mưu kế muốn cho lời mình được đắt của bạch diện thư sinh2 kia thì sẽ sinh rối ren đấy!". Có điều đáng tiếc là ngài nghe lời gian nịnh của Trần Khắc Chung mà giết Quốc Trấn: đó là một điều làm vấp cho trí thông minh của ngài. Tháng 4, mùa hạ. Phong anh là Thiên Trạch làm Cung Tín vương.

Đào sông ở Nghệ An và Thanh Hóa.

Lời chua - Nghệ An, Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20-23).

Tháng 9, mùa thu. Tôn Huệ Từ thái hậu làm thái hoàng thái hậu.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Huệ Từ là mẹ Dụ Tông. Tôn mẹ làm thái hoàng thái hậu, ấy là điển lễ ở đâu? Không biết kê cứu lễ xưa đến thế là cùng! Vậy mà các nho thần ở triều đình bấy giờ không có một ai nói đến, là cớ sao? Tháng 11, mùa đông. Táng [Minh Tông] ở Mục lăng.

Lời chua - Mục lăng: Ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều929 .

Đói lớn.

Liền mấy năm nay, luôn bị mất mùa, đói kém, một thưng gạo trị giá một tiền.

Mậu Tuất, năm Đại Trị thứ 1 (1358). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 18).

Tháng giêng, mùa xuân. Truy tặng Huệ Vũ vương Quốc Trấn làm đại vương.

Tháng 3. Hạn hán đến mãi tháng 7, mùa thu.

Tháng 8. Hạ chiếu cho nhà giàu các lộ bỏ thóc ra phát chẩn cho dân nghèo.

Luôn năm đói kém, lắm người nghèo túng. Nhà vua hạ chiếu cho các quan sở tại khuyên những nhà giàu phát thóc ra để chẩn cấp cho dân, nhưng vẫn trị giá mà trả tiền.

Dùng Phạm Sư Mạnh làm nhập nội Hành khiển, giữ việc viện Xu Mật.

Ngô Bệ lại tụ họp quân gia làm phản.

Ngô Bệ, sau khi tan tác trốn tránh, lại thu lượm những quân còn sót lại, tụ tập ở núi Yên Phụ, kéo lá cờ lớn ở trên núi, tiếm xưng ngụy hiệu, yết bảng rằng để "cứu tế dân nghèo"930 . Từ xã Thiên Liêu đến huyện Chí Linh, Bệ đều chiếm giữ được cả.

Lời chua - Núi Yên Phụ: Xem Thiệu Phong năm thứ 4 (Chb. IX, 43).

Thiên Liêu: Tên xã.

Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28).

Tháng 11, mùa đông. Hạ chiếu cho An Phủ sứ các lộ đem Phong Đoàn quân đi càn bắt giặc cướp.

Kỷ Hợi, năm thứ 2 (1359). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 19).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai sứ sang nhà Nguyên.

Khi bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn. Thái Tổ nhà Minh khởi binh ở Trừ Châu, rồi chiếm giữ cả đất Kim Lăng, bọn Trần Hữu Lượng và Trương Sĩ Thành cũng đều dấy binh nổi loạn, đánh phá tranh giành lẫn nhau, được thua chưa ngã ngũ. Nhà vua sai Lê Kính Phu sang bên Nguyên, chừng có ý để thăm dò hư thực.

Tháng 4, mùa hạ. Huy Tư hoàng thái phi mất. Truy tôn là Chiêu Từ hoàng thái hậu.

Lời cẩn án - Bà Huy Tư là mẹ đẻ vua Minh Tông; đến đây, vẫn còn gọi là thái phi, đến lúc mất chỉ được tôn làm hoàng thái hậu! Nhà Trần làm việc phần nhiều trái lễ đại loại như thế, hay là Sử cũ sơ sót chăng, đợi sẽ khảo sau. Tháng 7, mùa thu. Cho Đỗ Tử Bình giữ việc viện Xu Mật.

Tháng 8. Mưa to, nước ngập.

Luôn nhiều ngày mưa to, nước đầy, tràn ngập, làm trôi cả cửa nhà của cư dân, lúa má đều ngập mất.

Canh Tí, năm thứ 3 (1360). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 20).

Tháng 2, mùa xuân. Đúc tiền "Đại Trị thông bảo".

Tháng 3, Ngô Bệ bị giết.

Quan quân lùng bắt Ngô Bệ ở núi Yên Phụ. Ngô Bệ trốn chạy, muốn về kinh đô để ra thú, nhưng bị quan quân bắt được luôn với đồ đảng Bệ 30 người, đều bị đóng cũi giải về kinh, chém chết cả.

Ngày mồng một, tháng 5, mùa hạ. Nhật thực.

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Tháng 12, mùa đông. Sai cấm quân đi tuần, lùng bắt những giặc cướp ở các lộ.

Nhà vua hạ chiếu: phàm gia nô các nhà vương, hầu và công chúa đều phải có thích chữ ở trán theo "phẩm hàm" của mình931 và phải kê khai vào sổ hộ tịch. Nếu ai không thích chữ và khai sổ thì là hạng trộm cướp. Hễ bắt được, kẻ lớn thì trị tội; người bé thì sung công. Đó là vì cớ gia nô các nhà vương, hầu và công chúa bấy giờ phần nhiều trốn đi làm giặc cướp.

Lời chua - Theo chế độ nhà Trần, phàm hạng gia nô sau đây đều có chữ thích vào trán: Thích chữ "Quan trung khách", ấy là gia nô các nhà quan; thích chữ "Toạ thượng nô", ấy là người hầu cận của nhà vua; còn thì không thích chữ gì cả.

Tân Sửu, năm thứ 4 (1361). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 21).

Tháng giêng, mùa xuân. Sao chổi mọc ở phương đông bắc.

Nhà vua lánh, không ngự ở toà Chính Điện932 .

Tháng 3. Chiêm Thành vào cướp phủ Lâm Bình. Quan quân đánh bại được địch.

Chiêm Thành vượt biển đến lấn cướp cửa Dĩ Lý phủ Lâm Bình. Quan quân đi đánh, địch thua chạy. Triều đình dùng Phạm A Song làm tri phủ Lâm Bình để trấn giữ đất ấy.

Lời chua - Lâm Bình: Tức là Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29).

Cửa biển Di Lý: Bây giờ là xã Lý Hoà, huyện Bố Trạch933 .

Nhâm Dần, năm thứ 5 (1362). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 22).

Tháng giêng, mùa xuân. Ra lệnh bảo các nhà vương, hầu và công chúa cho diễn các trò tạp hí để dâng vua coi.

Hồi đầu niên hiệu Thiệu Bảo (1279-1284), quan quân đánh phá quân Nguyên, bắt được vai kép Lý Nguyên Cát là người ca hay, hát giỏi. Rồi những nữ tì ít tuổi ở các nhà quyền quý đua nhau học hát theo lối Bắc (Trung Quốc). Nguyên Cát làm trò cổ tích, có những tích như "Tây vương mẫu dâng bàn đào", v.v... Khi diễn có đến 12 người đóng các vai. Ai nấy đều mặc bào gấm, áo thêu, kẻ đánh trống, người thổi kèn, thay đổi nhau mà tấu khúc. Người xem, lúc vui mừng, lúc thương buồn, cảm động tùy theo từng quãng trong truyện cổ tích. Nước ta có lối trò cổ tích bắt đầu từ đấy. Đến đây, nhà vua bảo các vương hầu cho làm trò để dâng vua xem, rồi nhà vua nhận định đám nào biểu diễn trội hơn thì ban thưởng.

Nhà vua lại chiêu tập những nhà giàu trong nước, như người làng Đình Bảng ở Bắc Giang934 , người Nga Đình ở Quốc Oai935 , vào cung đánh bạc, mỗi tiếng bạc ăn thua đến 300 quan tiền.

Lại sai các tư nô ra khai khẩn ở bờ bên bắc sông Tô Lịch, để trồng hành, tỏi và các thứ rau; gọi chỗ phường ấy là "Toán viên" (vườn Tỏi)931 .

Nhà vua còn sai làm quạt để bán cho dân nữa.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Trần Minh Tông đã từng răn con về sự bủn xỉn làm giàu, thế mà Trần Dụ Tông công nhiên gá bạc để vét tiền, bán rau để kiếm lợi, một mai cơ đồ về tay con người phường trò họ Dương thì số tiền Đình Bảng, Nga Đình thua bạc và món lời vườn rau, quạt giấy bán đắt kia phỏng có làm gì! Lời chua - Bắc Giang: Tức là Kinh Bắc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18-19, 28-29).

Quốc Oai: Tên phủ, bây giờ thuộc tỉnh Sơn Tây.

Đình Bảng, Nga Đình: Tên hai làng (hương); ở đấy nhiều nhà giàu.

Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31, 32).

Tháng 2, sao Chổi mọc ở phương bắc.

Tháng 5, mùa hạ. Sai Đỗ Tử Bình điểm duyệt quân đội ở Lâm Bình và Thuận Hóa, sửa đắp thành Hoá Châu.

Vì cớ người Chiêm Thành nhiều lần thường vào lấn cướp.

Tháng 5. Sét đánh điện Thiên An.

Tháng này (tháng 5) hạn hán đến mãi tháng 7, mùa thu. Lục xét các tù phạm. Mưa to. Xuống chiếu miễn một nửa thuế đinh, thuế điền năm nay.

Tháng 8. Dùng Phạm Sư Mạnh giữ việc viện Xu Mật.

Đói lớn. Nhà vua xuống chiếu cho các nhà giàu quyên thóc, phát chẩn cho dân nghèo, rồi ban cho phẩm tước có tầng bậc khác nhau.

Tháng 9. Phủ Thiên Trường có bệnh dịch. Nhà vua xuống chiếu bảo đem thuốc, tiền và gạo của nhà nước chẩn cấp cho dân nghèo.

Nhà vua về chơi phủ Thiên Trường, gặp khi dân gian có bệnh dịch, bèn xuống chiếu phát cho nhà nghèo mỗi người: thuốc hai viên, tiền hai tiền937 và gạo hai thưng.

Tháng 10, mùa đông. Núi Thiên Kiện lở.

Lời chua - Núi Thiên Kiện: Có tên nữa là núi Địa Cận, ở xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nội bây giờ938 .

Tháng 12. Dùng Đỗ Tử Bình làm đồng tri Môn Hạ Bình Chương Sự.

Quý Mão, năm thứ 6 (1363). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 23).

Tháng 2, mùa xuân. Tuyển lựa dân đinh bổ sung vào quân đội các lộ.

Tháng 3. Thi nho sĩ và lại viên.

Thi nho sĩ lựa lấy những người giỏi văn nghệ để bổ vào nơi quán, các939 . Thi lại viên kén lấy những người viết tốt và giỏi toán để sung vào làm thuộc lại ở các sảnh936 , các viện937 .

Tháng 10, mùa đông. Sửa sang vườn Hậu Uyển.

Đào hồ lớn ở vườn ngự nơi hậu cung, trong hồ chất đá làm núi, bên bờ hồ trồng thông, trúc và nhiều thứ cây khác, thêm vào đấy nào là cỏ lạ, nào hoa thơm, nào muông kỳ, nào chim quý. Bốn mặt khai sông cho nước thông vào, gọi hồ ấy là Lạc Thanh Trì. Về phía Tây hồ này trồng hai cây quế, dựng một tòa điện gọi là điện Lạc Thanh. Lại đào một cái hồ nhỏ khác, bắt người ở Hải Đông chở nước mặn chứa vào hồ ấy, để nuôi các hải sản như đồi mồi, cá biển và loại ba ba. Rồi bắt người Hoá Châu chở cá sấu thả vào đấy. Lại có hồ Thanh Ngư để nuôi cá thanh phụ942 . Mọi thứ trên đây đều do chức khách đô được nhà vua đặt ra để coi giữ.

Lại làm dãy khách lang ở Tây Điện thẳng đến cửa Hoàng Phúc, dựng một dãy trường lang từ gác Nguyên Huyền thẳng đến cửa Đại Triều phía Tây. Nay xây cất, mai tu tạo, không lúc nào ngớt việc.

Lời chua - Thanh phụ: Cá giếc, đuôi đỏ, vảy biếc.

Giáp Thìn, năm thứ 7 (1364). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 24).

Tháng 5, mùa hạ. Nhà vua bị bệnh.

Nhà vua buông tuồng chơi bời vô độ. Tính nghiện rượu, thường với quan chính chưởng phụng ngự ở cung Vĩnh An là Bùi Khoan đến cùng uống rượu. Bùi Khoan dùng kế giả vờ uống hết trăm thưng rượu, được thưởng tước hai tư943 . Nha vua nhân lúc quá say, ra sông tắm, do đấy bị bệnh; sai bọn Trâu Canh ngày đêm hầu hạ thuốc thang, dần lại lành mạnh.

Lời phê - Nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ làm cung điện nguy nga và tường vách chạm trổ, lãng phí tiền của, hoang dâm chơi bời: món gì Dụ Tông cũng mắc! Cơ nghiệp nhà Trần sao khỏi suy được? Tháng 8, mùa thu. Sắp xếp quân đội.

Tuyển lựa dân đinh lấy những người khoẻ mạnh, đặt làm ba hạng quân, sai sửa chiến cụ và chiến thuyền, để phòng ngừa hoạn nạn do ngoài biên giới gây ra.

Tháng 10, mùa đông. Cung Túc vương Nguyên Dục mất.

Ất Tị, năm thứ 8 (1365). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 25).

Tháng giêng, mùa xuân. Chiêm Thành cướp bắt dân Hoá Châu.

Tục ở Hóa Châu, hàng năm, cứ đến đầu xuân, mở hội nam nữ đánh đu ở đất Bà Dương. Người nước Chiêm Thành, từ tháng chạp năm trước, đã ngầm mai phục ở nơi đầu nguồn, rình lúc không ngờ, ập ra cướp bắt lấy người.

Tháng 11, mùa đông. Sai phòng ngự sứ ở Lạng Giang là Thiều Thốn quản lĩnh quân đội trấn thủ biên giới miền Bắc.

Khi bấy giờ, nhà Nguyên đang loạn, dân nơi biên giới náo động hoang mang, cho nên nhà vua sai Thiều Thốn đem các quân Sơn Lạo944 ở Lạng Giang đi phòng giữ một cách nghiêm ngặt. Thiều Thốn khéo phủ dụ quân sĩ. Trong đám quân sĩ ai cũng vui lòng. Sau, vì có người em kiêu ngạo, kiệt hiệt, Thiều Thốn phải tội lây, bị cách chức. Trong đám quân sĩ vì Thiều Thốn mà đặt câu này: "Trời không thấu oan,

ông Thiều mất quan!" . Kịp khi Thiều Thốn sắm sửa hành trang để về, họ lại đặt ra câu này: "Ông Thiều ra về, lòng tôi tái tê!" . Triều đình nghe biết việc ấy, lại cho Thiều Thốn khai phục quan chức. Họ lại có câu rằng: "Trời đã thấu oan, ông Thiều lại được làm quan" . Không bao lâu, Thiều Thốn chết.

Lời chua - Thiều Thốn: Người làng Triệu Xá, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Bính Ngọ, năm thứ 9 (1366). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 26).

Tháng 3, mùa xuân. Chiêm Thành lại lấn cướp phủ Lâm Bình. Tri phủ là Phạm A Song đánh phá được địch. A Song được lên chức Đại Tri phủ Hành Quân Thủ Ngự sứ ở Lâm Bình.

Tháng 6, mùa hạ. Nhà vua đến chơi làng (hương) Mễ Sở.

Nhà vua đi chiếc thuyền nhỏ, đêm đến chơi nhà riêng của thiếu uý Trần Ngô Lang, nửa đêm đi về, khi đến bãi Chử Gia, bị kẻ trộm lấy mất cả ấn báu và gươm báu. Tự biết là điềm chẳng lành, nhà vua lại càng buông thả ăn chơi dâm dật.

Lời chua - Làng Mễ Sở: Bây giờ thuộc huyện Đông An, tỉnh Hưng Yên.

Bãi Chử Gia: Bây giờ là bãi Chử Xá, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh.

Đinh Mùi, năm thứ 10 (1367). (Nguyên, năm Chí Chính thứ 27).

Tháng 12, mùa đông. Sai Trần Thế Hưng và Đỗ Tử bình đi đánh Chiêm Thành, bị thua.

Thế Hưng làm thống quân, Tử Bình làm phó, kéo quân đến Chiêm Động. Người Chiêm đặt quân mai phục, ập ra đánh: quan quân tan vỡ nặng nề. Thế Hưng bị giặc bắt; Tử Bình rút về.

Lời chua - Chiêm Động: Xưa là đất quận Nhật Nam; từ nhà Đường trở về sau là đất Chiêm Thành. Hồ Hán Thương lấy đất này, đặt làm châu Thăng và châu Hoa; nhà Lê hợp lại làm một, gọi là phủ Thăng Hoa, tức là phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam bây giờ.

Dùng Cung Định vương Phủ làm tả tướng quốc, gia phong đại vương.

Mậu Thân, năm thứ 11 (1368). (Minh, Thái tổ, năm Hồng Vũ thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Sao Chổi mọc ở phận sao Mão.

Tháng 2. Sứ Chiêm Thành đến.

Vua nước Chiêm Thành sai bầy tôi là Mục Bà Ma sang đòi đất cũ Hóa Châu.

Tháng 4, mùa hạ. Sứ nhà Minh sang ta. Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Minh.

Minh Thái Tổ đã đại định thiên hạ, lên ngôi vua ở Kim Lăng, sai tri phủ Hán Dương là Dịch Thế Dân đem tờ chiếu thư sang ta. Đại lược nói: "Chính sự nhà Nguyên không còn kỷ cương gì nữa. Thiên hạ nổi lên tranh giành đến 15 năm. Các nơi xa gần, do đấy, tin tức không thông. Bản triều945 gây dựng cơ nghiệp đế vương ở Giang Tả946 , quét sạch các hùng trưởng, dẹp yên chốn hoa hạ, được quần thần và nhân dân suy tôn, đã lên làm chủ Trung Quốc. Vậy đâu đấy đều nên ở yên, đừng sinh sự gì để chung hưởng hạnh phúc thái bình". Nhà vua liền sai Lễ Bộ thị lang, Đào Văn Đích, sang Minh đáp lễ.

Tháng 11, mùa đông. Vời đạo sĩ Huyền Vân ở Chí Linh đến Kinh Đô.

Huyền Vân tu ở núi Yên Tử, huyện Chí Linh. Nhà vua cho vời đến triều đình, để hỏi về phép tu luyện, đặt tên cho chỗ đạo sĩ ở là động Huyền Thiên.

Lời chua - Chí Linh: Tên huyện. Xem Trần Nhân Tông năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28).

Núi Yên Tử: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (Chb. VI, 18).

Kỷ Dậu, năm thứ 12 (1369). (Tháng 6 trở về sau thuộc Dương Nhật Lễ, năm Đại Định thứ 1. - Minh, năm Hồng Vũ thứ 2).

Ngày mồng một, tháng 5. Nhật thực.

Nhà vua mất. Tháng 6. Huệ Từ thái hậu lập Dương Nhật Lễ làm vua.

Trước kia, người phường trò, tên là Dương Khương, diễn tích Tây vương mẫu dâng quả bàn đào, vợ hắn đóng vai Tây vương mẫu. Cung Túc vương Nguyên Dục cảm nàng đẹp, lấy làm vợ. Khi ấy nàng đang có mang; rồi sinh ra Nhật Lễ. Nguyên Dục nhận làm con mình. Kịp khi Dụ Tông mất, không có con kế tự, có để di chiếu cho Nhật Lễ nối ngôi. Quần thần bàn rằng: "Cung Định vương Phủ là người rất hiền, nhưng anh không lẽ lại kế tự em". Thái hậu bảo quần thần: "Nguyên Dục là con trưởng ngành đích, không được làm vua, mà lại mất sớm947 ; vậy Nhật Lễ chẳng phải là con của Nguyên Dục dư?". Bèn đón lập Nhật Lễ. Nhật Lễ đã lên ngôi, truy tôn Nguyên Dục làm hoàng thái bá.

Tháng 8, mùa thu. Dương Nhật Lễ tôn bà Huệ Từ hoàng thái hậu làm Huệ Từ Tuyên Thánh thái hoàng thái hậu, bà Nghi Thánh hoàng hậu làm Huy Từ Tá Thánh hoàng thái hậu; lập con gái Cung Định vương Phủ làm hoàng hậu.

Tháng 11, mùa đông. Táng (Trần Dụ Tông) ở Phụ Lăng.

Trước đây, ta sai sứ sang thăm hỏi nhà Minh; nhà Minh sai bọn Hàn Lâm thị độc học sĩ Trương Dĩ Ninh và điển bạ Ngưu Lượng đem sắc phong sang với một quả ấn, nũm ấn đúc hình con lạc đà mạ vàng. Khi đến nơi, thì Trần Dụ Tông đã mất, Ngưu Lượng có làm thơ viếng rồi về.

Lời chua - Phụ Lăng: Ở xã Yên Sinh, huyện Đông Triều.

Dùng Cung Tĩnh vương Nguyên Trác làm Thượng Tướng quốc Thái Tể, Cung Định vương Phủ làm Thái sư tả tướng quốc và Cung Tuyên vương Cảnh làm Hữu Tướng quốc.

Tháng 12. Dương Nhật Lễ giết bà Huệ Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu.

Khi Nhật Lễ đã lên ngôi rồi, bà Huệ Từ hoàng hậu thường hối hận rằng nó không phải là con Cung Túc vương. Nhật Lễ bèn ngầm đầu độc giết chết bà.

Bà Huệ Từ có tính nhân từ. Cung Tĩnh vương Nguyên Trác là con vợ thứ. Có kẻ thêu dệt cho rằng Nguyên Trác yểm bùa và nguyền rủa Dụ Tông. Nguyên Trác suýt bị hãm hại. Nhờ có bà cố sức cứu giúp, nên mới được khỏi tội. Đương thời khen bà là người hiền đức. Song phải nỗi là bà chực tây vị cho con Cung Túc vương mà lập Nhật Lễ, đến nỗi ngôi báu nhà Trần suýt bị chuyển dời. Thế mới biết đàn bà chủ trương việc lớn thì gây tai hại cũng ghê gớm đấy!

Canh Tuất, Trần Nghệ Tông hoàng đế, năm Thiệu Khánh thứ 1 (1370). (Từ tháng 10 trở về trước, thuộc Dương Nhật Lễ, năm Đại Định thứ 2. - Minh, năm Hồng Vũ thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà Minh sai sứ sang ta, tế các thần núi sông.

Trước kia, bầy tôi thuộc Lễ Bộ nhà Minh xin đem các thần núi sông ở nước ta phụ tế vào đàn Nhạc Độc948 , vua Minh y theo. Đến đây, vua Minh sai đạo sĩ ở cung Triều Thiên là Diêm Nguyên Phục kính đem bài văn ngự chế sang tế các thần núi, sông. Lại sai rập những bài ở bia đá vuông và bia đá tròn, chép lấy các đồ thư điển tịch đem về, rồi lại tạc bia ghi việc làm này.

Tháng 9, mùa thu. Cung Tĩnh vương là Nguyên Trác, mưu giết Nhật Lễ, không được, bị chết.

Nhật Lễ, khi đã được làm vua, ngày ngày rượu chè, dâm dật, chăm sự chơi bời, hay bày ra các trò tạp kỹ, thân cận suồng sã với lũ tiểu nhân. Nhật Lễ có ý muốn đổi lại lấy theo họ Dương và ngầm mưu trừ bỏ hết những người họ Trần có danh vọng. Tôn thất nhà Trần và trăm quan ai cũng thất vọng. Nguyên Trác với con là Nguyên Tiết và hai người con (không rõ tên) của Thiên Ninh công chúa, đêm đến, đem mọi người trong họ tôn thất vào thành để giết Nhật Lễ. Nhưng Nhật Lễ trèo tường ra ngoài, nằm núi dưới cầu mới. Mọi người sục sạo không bắt được; giải tán về cả. Trời gần sáng, Nhật Lễ trở vào cung, cho quân đi lùng bắt tất cả 18 người đã dự mưu vào việc này. Bọn Nguyên Trác đều bị hại cả.

Lời chua - Thiên Ninh: Con gái vua Minh Tông, do bà Huệ Từ sinh ra.

Tháng 10, mùa đông. Cung Định vương Phủ chạy lên Đà Giang.

Trước đây, Nhật Lễ tiếm ngôi, lấy con gái Cung Định vương lập làm hoàng hậu. Cung Định vương thường sợ vạ lây đến mình. Kịp khi công cuộc của Nguyên Trác đã thất bại, Chi hậu nội nhân phó chưởng là Nguyễn Nhiên biết Nhật Lễ muốn giết Cung Định vương, mới khuyên vương sao không liệu cơ mà sớm lánh đi. Vương vốn không có chí làm vua; đến đây tình thế bức bách quá, mới bàn mưu với thiếu uý Trần Ngô Lang. Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha cũng bảo vương rằng: "Thiên hạ này là của ông cha chúng ta, lẽ nào lại vất bỏ cho người khác? Anh hãy cứ đi đi! Em sẽ đem gia nô dẹp nó cho!"949 . Cung Định vương bấy giờ mới chạy lên Đà Giang bí mật cùng Cung Tuyên vương Cảnh, Chương Túc hầu Nguyên Đán và Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hẹn nhau hội ở Đại Lại giang để khởi binh. Khi ấy, Nhật Lễ dùng Trần Ngô Lang làm việc, nhưng không biết Ngô Lang vẫn đồng mưu với Cung Định vương: mỗi khi sai quân đi lùng bắt Cung Định vương thì Ngô Lang lại mật bảo quân được sai đi ấy ở lại theo vương, đừng về. Nhiều lần sai Nam Bắc quân đi, cũng không thấy một ai quay về cả, Ngô Lang cũng giả vờ xin đi, Nhật Lễ không cho.

Lời chua - Đà Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 27, 30).

Đại Lại giang: Một chi lưu sông Lương Giang thuộc địa phận Thanh Hóa, sông Đại Lại chảy qua huyện Vĩnh Lộc và huyện Hậu Lộc rồi đổ ra biển.

Tháng 11. Cung Định vương lên ngôi hoàng đế ở phủ Kiến Hưng, tiến lấy kinh thành, bắt Dương Nhật Lễ, giết chết.

Cung Định vương đến động mán ở Đà Giang, lưu lại đấy được mươi hôm; các người họ tôn thất và trăm quan cùng nhau kéo đến, khuyên Cung Định vương nên sớm về để dẹp yên nội nạn. Vương cứ nghẹn ngào từ tạ. Mọi người hai ba lần cố mời vương lên kiệu, ra khỏi núi. Khi vương về đến phủ Kiến Hưng, xa gần kéo đến như mây dày đặc, tiếng vui mừng vang trời. Mọi người xin ra lệnh phế Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Vương lên ngôi, đổi niên hiệu, đại xá, xưng là Nghĩa Hoàng; bầy tôi dâng tôn hiệu là Thể Thiên Kiến Cực Thuần Hiếu hoàng đế (ấy là Trần Nghệ Tông). Ngự giá ra đi, tiến đóng ở bến Đông Bộ Đầu. Trần Ngô Lang khuyên Nhật Lễ viết bức thủ thư nhận tội, lánh ngôi, ra đón tận ngoài thành. Nhật Lễ phủ phục xuống đất, tạ tội. Nhà vua cũng ôm lấy Nhật Lễ, khóc lóc mà rằng: "Không ngờ sự thể ngày nay đến thế này!". Cung Tuyên vương Cảnh tuốt gươm quát lên rằng: "Nay vâng mạng trời, đánh kẻ có tội. Tên tội nhân kia sao còn được nói lôi thôi! Bệ hạ há nên vì lòng nhân từ bịn rịn mà bỏ mất nghĩa lớn sao!". Rồi thét những kẻ ở tả hữu lôi Nhật Lễ ra, giam ở phường Giang Khẩu. Nhật Lễ lừa Ngô Lang vào màn nói chuyện, bóp cổ giết chết. Việc đó đến tai vua. Nhà vua sai đánh chết ngay Nhật Lễ và con nó là Liễu; truy tặng Ngô Lang làm tư maã, ban cho tên thụy là Trung Mẫn á vương. Vào thành, bái yết nhà Thái miếu, nhà vua nói: "Việc ngày nay thật vượt ngoài ý tôi định liệu. Chỉ vì cớ nghĩ đến xã tắc, nên không thể từ chối được. Xét mình lỗi đạo hiếu trung, lòng những hãi hùng hổ thẹn. Vậy xin giảm bỏ sự cao sang đêể gọi là đáp lại sơ tâm đôi chút". Nhà vua bèn ra lệnh: phàm các xe kiệu và đồ dùng đều sơn đen, không được trang sức bằng vàng son, châu báu và màu đỏ. Nhà vua lại dụ bảo quần thần rằng: "Bản triều dựng nước có chế độ riêng. Khoảng niên hiệu Đại Trị (1358-1369) thay đổi lung tung đến nỗi

rối ren phiền nhiễu! Nay nên trừ bỏ những chính sự tệ hại. Mọi việc đều tuân theo điều lệ Khai Thái" (1324-1328)950 .

Lời cẩn án - Về việc khoảng năm Đại Trị (1358-1369) thay đổi chế độ, Sử cũ chỉ nói chẳng hạn như áo mặc và nhạc chương; vân vân, nhưng ở đoạn sử chép về Trần Dụ Tông, không thấy nói rõ, nay hãy để đó, đợi sẽ khảo sau. Lời chua - Kiến Hưng: Xưa là phủ Hiến Khánh: nhà Trần gọi là Kiến Hưng; nhà Lê đổi làm Nghĩa Hưng; nay cũng để theo tên cũ, thuộc tỉnh Nam Định.

Trần Nhật Hạch có tội, bị giết.

Nhật Hạch là người họ tôn thất nhà Trần, trước đây tùng đảng với Nhật Lễ, định mưu lật đổ xã tắc. Nhà vua sai bắt giết chết.

Chu An, Quốc Tử giám tư nghiệp951 , trí sĩ, mất.

Chu An tính cương trực, thanh cảnh, giữ tiết khắc khổ thanh tu, không cầu danh lợi hiển đạt. Ở nhà, đọc sách, học nghiệp tinh thâm thuần túy. Gần xa nghe tiếng, đến học rất đông. Học trò nhiều người thi đậu cao, làm quan to, như Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát đã làm đến Hành Khiển, thời thường lui tới thăm hỏi, vẫn cứ thụp lạy ở bên giường thày, hễ được thày nói chuyện một chút thì họ lấy làm mừng lắm. Hễ kẻ nào làm gì lẫm lỗi trái ý thì thày quở trách ráo riết, có khi đến quát mắng đuổi ra. Ấy tính Chu An nghiêm nghị là như vậy. Dưới triều Trần Minh Tông, ông được vời làm Quốc Tử Tư nghiệp, dạy thái tử học. Đến Trần Dụ Tông ham mê chơi bời, xao lãng chính sự, bọn quyền thần làm nhiều sự trái phép. Chu An can không nghe, bèn dâng sớ xin chém bảy tên nịnh thần, đều là những kẻ có thế lực và được cưng chiều cả. Bấy giờ gọi là "Thất trảm sớ"952 . Sớ dâng lên, không được trả lời, Chu An liền treo trả mũ áo, trở về điền viên. Yêu phong cảnh núi Chí Linh, ông đến ở ẩn tại đấy. Những ngày đại triều hội thì vào kinh triều cận. Dụ Tông muốn ủy thác công việc chính trị cho ông, nhưng ông từ chối không nhận. Bà Huệ Từ thái hậu nói rằng: "Đối với kẻ sĩ thanh tu, thiên tử còn không bắt làm bày tôi được, nữa là chực đem chính sự ép người ta làm?". Mỗi khi nhà vua có ban thưởng gì, ông lạy tạ xong rồi, lại đưa cho người khác. Thiên hạ đều khen là người có khí tiết cao. Kịp khi Trần Dụ Tông mất, quốc thống953 hầu đứt. Được tin Trần Nghệ Tông lên làm vua, Chu An mừng lắm, chống gậy đến bái yết, xong lại xin về, rồi mất ở nhà. Nhà vua sai quan đến tế viếng. Đặt cho tên thụy là Văn Trinh, được thờ phụ ở Văn Miếu.

Lời chua - Chu An: Người làng Quang Liệt954 , huyện Thanh Đàm955 .

Núi Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 3 (Chb. VIII, 3).

Tân Hợi, năm thứ 2 (1371). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Truy tôn mẹ đẻ là Lê Thị làm Minh Từ hoàng thái phi.

Tháng 2. Thết yến quần thần ở điện Thiên An; ban thưởng cho họ có hơn kém khác nhau.

Phong Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha làm Lạng Quốc thái trưởng công chúa.

Phong Sư Hiền, người họ tôn thất, làm Cung Chính vương. Dùng Nguyên Đán làm tư đồ, Nguyên Uyên làm phủ quân tướng quân.

Trừ bỏ phép "sa châu tiệt cước"950 và lệnh điểm kiểm tài sản.

Trước đây, bà Chiêu Từ thái hậu đặt ra phép "sa châu tiệt cước", để cắt lấy những bãi phù sa mới bồi ở ven sông, chiếm làm của mình. Trần Dụ Tông lại ra lệnh điểm kiểm tài sản: các nhà quyền quý có đồ quý báu, khi chết đi rồi, phải điểm kiểm đem nộp nhà nước, không được chia cho con cháu. Phàm những chính sự tệ hại ấy đều bởi bọn bầy tôi "tụ liễm"957 bày ra cả. Đến đây, bãi bỏ hết.

Tháng 3 nhuận. Chiêm Thành vào cướp kinh đô. Nhà vua chạy sang huyện Đông Ngàn.

Dương Nhật Lễ đã bị giết rồi, mẹ nó trốn sang nước Chiêm Thành, xui Chiêm Thành vào lấn cướp. Bấy giờ, từ khi Trần Dụ Tông rông rỡ chơi bời, việc võ không sửa sang, biên giới chẳng phòng bị, quân Chiêm Thành do cửa biển Đại An thẳng tiến, xâm phạm kinh đô. Cánh du binh của địch đến bến Thái Tổ, không ai chống cự được. Nhà vua phải chạy sang huyện Đông Ngàn để lánh giặc. Người Chiêm bắt lấy con trai, con gái, cướp bóc ngọc lụa, của cải, thiêu đốt cung điện, đồ thư và sổ sách. Kinh thành, vì thế, hết sạch sành sanh. Từ đấy, năm nào, Chiêm Thành cũng thường vào xâm lấn khuấy nhiễu; do đó biên giới mới xảy ra lắm việc.

Lời chua - Đông Ngàn: Tức là đất Cổ Pháp. Xem Lê Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chb. II, 6).

Cửa biển Đại An: Tức là cửa biện Đại Nha: Xem Lý Hậu đế năm thứ 1 (Tb. IV, 13).

Bến Thái Tổ: Bây giờ là phường Phục Cổ, thuộc huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội.

Nhà vua từ huyện Đông Ngàn trở về kinh đô.

Tháng 4, mùa hạ. Lập em là Cung Tuyên vương Cảnh làm hoàng thái tử; ban cho 14 chương Hoàng Huấn958 .

Cảnh, là con vợ thứ vua Minh Tông.

Lời cẩn án - Nghệ Hoàng959 lên ngôi đến đây đã 2 năm, chính các con vua như Húc và Ngạc, tuổi cũng đã lớn, thế mà vội lập ngay em, là nghĩa gì? Chẳng qua chỉ vì phần nhiều nhờ sức người em chiêu tập quân lính nổi dậy mà lấy lại được nước, nên mới nghĩ đến công ấy, muốn cùng nhau được hưởng giàu sang đó thôi, chứ không phải cốt để trọng việc nối dõi thờ cúng và sáng nghĩa thế thứ trao quyền. Huống chi, lấy em làm con, sự đó lại càng sai trái. Tháng 5. Dùng người họ ngoại là Lê Quý Ly làm Xu mật đại sứ.

Ông tổ nhà Quý Ly là Hồ Hưng Dật, người tỉnh Chiết Giang, về đời Ngũ Quý (907-959), sang bên ta, lập ấp ở tại làng (hương) Bào Đột thuộc Diễn Châu. Về sau, Hồ Liêm di cư sang Thanh Hóa, làm con nuôi Lê Huấn, do đấy, đổi theo họ Lê. Quý Ly là cháu bốn đời. Quý Ly có hai người cô đều được Trần Minh Tông lấy vào hậu cung: Một người, là bà Sinh Từ, sinh được nhà vua đây; một người, là bà Đôn Từ, sinh được Duệ Tông. Cho nên nhà vua tin dùng Quý Ly, cho Quý Ly do Chi hậu chánh chưởng thăng lên chức này; lại gả cho Quý Ly người em gái mới góa là Huy Ninh công chúa.

Lời chua - Làng Bào Đột: Bây giờ là xã Bào Đột, huyện Quỳnh Lưu960 .

Huy Ninh: Vợ Nhân Vinh, người họ tôn thất. Nhân Vinh bị Nhật Lễ giết.

Nhà vua xuống chiếu: phàm việc xây dựng cung thất đừng có phiền nhiễu đến dân.

Bấy giờ cung thất đều bị Chiêm Thành đốt phá. Nhà vua hạ chiếu cho xây dựng và sửa sang lại, nhưng việc doanh tạo chỉ cốt mộc mạc, đơn giản, do những chức tản quan961 trong họ tôn thất đứng làm, chứ không dùng đến sức dân.

Tháng 9, mùa thu. Gia phong cho Lê Quý Ly tước Trung Tuyên quốc thượng hầu.

Trước đây, sai Quý Ly đi vào Nghệ An, vỗ về nhân dân, chiêu an nơi biên giới, nên có mệnh lệnh gia phong này.

Tháng 10, mùa đông. Sai Phan Nghĩa, lang trung bộ Lễ, đặt ra thông chế và các lễ nghi962 .

Nhâm Tí, năm thứ 3 (1372). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Xét thành tích các quan.

Tháng 4, mùa hạ. Dùng Đỗ Tử Bình làm Hành khiển, tham mưu quân sự.

Tháng 5. Dùng Nguyễn Nhiên kiêm chức Xu Mật viện.

Nhà vua khi mới lên ngôi, vì thấy Nguyễn Nhiên có công963 , nên cho làm hành khiển rồi thăng tả tham tri chính sự. Nhưng Nguyễn Nhiên ít chữ, lúc phê sổ sách, nhà vua thường phải dạy cho viết chữ. Đến đây, lại có mệnh lệnh cho kiêm giữ chức Xu Mật viện này.

Lời chua - Nguyễn Nhiên: Người huyện Tiên Du964 , lộ Bắc Giang.

Tháng 8, mùa thu. Hạ chiếu cho các lộ làm sổ hộ tịch.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua đi Thiên Trường, sửa tẩm miếu ở các lăng.

Tháng 11. Nhà vua truyền ngôi cho thái tử Cảnh.

Thái tử lên ngôi, xưng là Khâm Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Kế Thiên Ứng Vận Nhân Minh Khâm Ninh hoàng đế (ấy là Trần Duệ Tông). Vua Nghệ Tông làm bài châm, gồm 150 chữ, ban cho.

Truy tôn mẹ là Lê Thị làm Đôn Từ Hoàng Thái phi.

Cho Trương Hán Siêu được thờ phụ vào Văn Miếu.

Quý Sửu, Trần Duệ Tông hoàng đế, năm Long Khánh thứ 1 (1373). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Tôn thượng hoàng làm Quang Hoa Anh Triết thái thượng hoàng đế; truy tôn Thục đức hoàng hậu làm Thuận từ hoàng thái hậu.

Thượng hoàng khi thoạt mới về nước, bà nguyên phi là Huệ Ý phu nhân mất ở phủ Kiến Xương, sau truy phong làm Thục Đức hoàng hậu; đến đây, nhà vua được nhường ngôi, lại truy tôn làm hoàng thái hậu.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Vợ vua Thái Tổ nhà Trần965 tên thụy là Thuận Từ; vợ vua Nghệ Tông cũng gọi là Thuận Từ. Bấy giờ bàn đặt tên thụy không cho thế là trái,

hay là đời đã xa rồi, không cần kiêng nữa? Nhưng mà cháu dâu với bà cụ tổ trùng tên thụy nhau: thật trái lẽ lắm! Tháng 2. Đặt ra sổ sách các quan văn, quan võ.

Lập bà phi họ Lê làm hoàng hậu.

Hoàng hậu là em con nhà chú (tụng muội) của Quý Ly, trước kia đã phong làm Hiển Trinh thần phi, đến đây lập làm Gia Từ hoàng hậu.

Tháng 8, mùa thu. Bổ sung quân đội, tu tạo thuyền chiến.

Nhà vua thấy người Chiêm Thành hay vào xâm lấn, nên sai sửa sang việc võ, ý muốn chính mình cầm quân đi đánh.

Ra lệnh cho quân và dân quyên thóc, rồi ban cho phẩm tước có đẳng hạng khác nhau.

Thi lại viên, bổ làm duyện lại ở Nội Lệnh sử.

Giáp Dần, năm thứ 2 (1374). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 7).

Tháng 2, mùa xuân. Bắt đầu đặt khoa thi tiến sĩ.

Trước đây, khoa thái học sinh, cứ 7 năm một lần thi, số đậu chỉ lấy 30 người thôi. Đình thí966 , số lấy đỗ không có lệ đặt nhất định. Phàm tam quán thuộc quan học sinh967 , thị thần học sinh, tướng phủ học sinh và những người có tước phong đều được vào thi cả. Đến đây mới bắt đầu gọi là khoa tiến sĩ; ban cho Đào Sư Tích đậu trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đậu bảng nhỡn, Trần Đình Thâm đậu thám hoa, La Tu đậu hoàng giáp, cập đệ và các đồng cập đệ968 gồm 50 người, đều cho ăn yến và ban áo mũ, xuất thân có đẳng hạng khác nhau.

Lời chua - Đào Sư Tích: Người huyện Tây Chân969 , phủ Thiên Trường970 .

Lê Hiến Phủ: Người huyện Đông Kết, phủ Khoái Châu971 .

Trần Đình Thâm: Người huyện Đông Triều, phủ Sách Giang972 .

La Tu: Người huyện Thuần Hựu, thuộc Thanh Hóa.

Tháng 3, đào các sông ở Thanh, Nghệ.

Ra lệnh cho dân ở Thanh, Nghệ đào các sông, đến cửa biển Hà Hoa thì thôi.

Lời chua - Cửa biển Hà Hoa: Bây giờ ở xã Kỳ La, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 5, mùa hạ. Hạn hán đến mãi tháng 6.

Tháng 8, mùa thu. Đặt thêm quân hiệu.

Trước kia. Túc vệ chỉ có các quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Đến đây, đặt thêm các quân Uy Tiệp, Bảo Tiệp, Long Dực, Thần Dực, Điến Hậu. Tuyển những dân đinh khoẻ mạnh, phân ra ba hạng, sung vào các quân hiệu ấy. Ai cũng phải xăm trán để làm dấu ghi, như: quân Túc vệ thì trán xăm hoa; quân mới đặt thêm thì xăm trán đồ đen. Còn Thiên Trường, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Bình, và Thuận Hóa đều có quân hiệu, đặt đại đội trưởng và đại đội phó để cai quản.

Ất Mão, năm thứ 3 (1375). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Dùng Lê Quý Ly làm tham mưu quân sự.

Sai Quý Ly tuyển trong họ tôn thất và trong các quan viên lấy những người am tường võ nghệ, tinh thông thao lược, bổ làm quân tướng973 .

Đặt lại các lộ, các phủ ở Hoan Châu, Diễn Châu và Lâm Bình.

Đổi Hoan Châu làm lộ Nhật Nam và các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung; đổi Diễn Châu làm lộ Diễn Châu, phủ Lâm Bình làm phủ Tân Bình. Sai Đào Lực Đinh và Hà Tử Công đem dân sở tại sửa sang đường sá, từ lộ Cửu Chân đến huyện Hà Hoa, ba tháng làm xong.

Lời chua - Hoan Châu: Tức là Nghệ An. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 23).

Diễn Châu: Xem thuộc Đường. Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1 (Tb. IV, 20).

Lâm Bình: Tức là đất Địa Lý. Xem Lý Thánh Tông, năm Thần Vũ thứ 1 (Chb. III, 29).

Lộ Nhật Nam và các lộ Nghệ An Nam, Bắc, Trung: Địa giới ra sao, không rõ.

Cửu Chân: Xưa là bộ Cửu Chân đời Hùng Vương; nhà Đinh, nhà Lê gọi là Ái Châu; niên hiệu Thiệu Phong (1341-1357) nhà Trần đổi làm lộ, chia đặt ba phủ Thanh Hóa, Cửu Chân và Ái Châu.

Hà Hoa: Tên huyện được đặt ra từ nhà Trần trở về trước; nhà Lê gọi là Kỳ Hoa; bây giờ đổi là Kỳ Anh, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Tháng 6, mùa hạ. Sao thái bạch mọc ban ngày.

Tháng 8, mùa thu. Tuyển lính.

Binh lính, người nào già yếu thì thải ra; chọn lấy những dân đinh khỏe mạnh để bổ sung. Phàm những người ngụ cư làm thuê (hộ xá, tá công) ở Thanh Hoá và Nghệ An đều lấy vào quân đội.

Lời chua - Hộ xá, tá công: Những người các nơi không có tên trong sổ hộ tích, quần tụ ở làm một phường, đi làm thuê ở mướn để lấy tiền công, tức là đám dân siêu giạt tha phương cầu thực.

Hạ chiếu cho những nhà giàu ở các lộ nộp thóc vào nhà nước, rồi ban cho phẩm tước có đẳng hạng khác nhau

Bính Thìn, năm thứ 4 (1376). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 9).

Tháng 4, mùa hạ. Quy định chế độ về thuyền, xe, kiệu, tàn, áo, mũ và đồ nghi trượng.

Vì cớ sắp làm lễ hội thề ở đền Đồng Cổ.

Tháng 5. Chiêm Thành vào cướp Hoá Châu.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua duyệt binh ở Bạch Hạc giang.

Thấy người Chiêm Thành hay vào lấn cướp, nhà vua bàn định chính mình cầm quân đi đánh. Ngự sử trung tán là Lê Tích dâng sớ can rằng: "Binh đao là thứ hung dữ, không nên tự chính nhà vua dấy quân đi đánh, huống chi bây giờ nội nạn vừa mới được yên, Chiêm Thành dầu không giữ lễ làm tôi, nhưng cũng chỉ nên sai tướng đi hỏi tội, chứ nếu xa giá thân chinh, thì theo ngu kiến, thần tưởng không nên". Ngự sử đại phu là Trương Đỗ cũng can rằng: "Chiêm Thành chống lại mệnh lệnh nhà vua, tội nó đáng phải giết, không dong thứ được; nhưng nước nó ở tít cõi tây, có núi sông hiểm trở. Ngày nay, bệ hạ mới lên ngôi, chính lệnh và giáo hóa chưa thấm khắp đến phương xa, tưởng nên trau sửa văn đức để cho nó theo về với mình. Nếu nó không theo, bấy giờ sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn nào". Trương Đỗ ba lần dâng sớ lên can, nhưng cuối cùng nhà vua vẫn không nghe. Liền đó nhà vua sai quân và dân ở Thanh Hoá và Nghệ An tải năm vạn thạch974 lương thực đến tích trữ ở Hoá Châu. Lại rước Thượng hoàng đi điểm duyệt quân đội ở Bạch Hạc giang. Mọi việc này đều là chuẩn bị để đánh Chiêm Thành.

Lời chua - Bạch Hạc giang: Xem Trần Thánh Tông, năm Thiệu Long thứ 5 (Chb. VII, 4-5).

Tháng 12. Nhà vua tự làm tướng, đi đánh Chiêm Thành.

Trước đây, Đỗ Tử Bình vào trấn giữ Hóa Châu; chúa Chiêm là Chế Bồng Nga đưa 10 mâm vàng để dâng triều đình. Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại nói dối rằng: Bồng Nga kiêu ngạo, khinh nhờn, vô lễ, nên đem quân đi đánh. Bấy giờ nhà vua mới quyết tâm thân chinh. Thống lĩnh 12 vạn quân từ kinh đô xuất phát, nhà vua sai Lê Quý Ly đốc sức dân ở Nghệ An, Tân Bình, Thuận Châu và Hóa Châu vận tải lương thực để cung cấp cho quân sĩ. Khi đến cửa biển Di Luân, nhà vua sai các quân sĩ vượt biển mà đi, còn mình thì đem bộ binh tiến theo ven bờ biển. Khi đến cửa biển Nhật Lệ, đóng doanh trại ở đấy hơn một tháng để luyện tập quân sĩ.

Lời chua - Cửa biển Di Luân: Ở xã Di Luân, huyện Bình Chánh, tỉnh Quảng Bình bây giờ.

Cửa biển Nhật Lệ: Ở xã Động Hải, huyện Phong Lộc bây giờ. Động Hải là nơi sở tại tỉnh lỵ Quảng Bình.

Đinh Tị, năm thứ 5 (1377). (Từ tháng 5 trở về sau, là triều Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 1. - Minh, năm Hồng Vũ thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua kéo quân vào đánh Chà Bàn975 , bị thua, mất ở vòng trận. Bọn đại tướng là Đỗ Lễ và Nguyễn Nạp Hòa, hành khiển là Phạm Huyền Linh đều chết trận cả. Ngự câu vương Húc đầu hàng Chiêm Thành.

Quan quân đến Thị Nại cảng, tiến lên Cầu Đá (Thạch Kiều), đóng lại ở động Ỷ Mang. Bồng Nga dựng lũy bằng tre gỗ ở ngoài thành Chà Bàn, sai bầy tôi là Mục Bà Ma ra trá hàng, nói rằng Bồng Nga đã chạy trốn, chỉ để thành bỏ ngỏ đó thôi, nên mau tiến quân kẻo lại lỡ cơ hội. Nhà vua tin lời, sai gấp tiến quân. Đại tướng Đỗ Lễ can rằng: "Theo Binh pháp , đánh lấy thành là sự bất đắc dĩ. Kẻ kia đã nói xin hàng, thì ta nên lấy việc cho nước nó được an toàn là hơn cả. Vậy ta hãy cho một tay thuyết khách cầm thư đi hỏi tội để dò hư thực, theo như mưu chước Hàn Tín đánh phá nước Yên976 ngày trước, chẳng phải khó nhọc mà được nên công. Vả, tình ý của kẻ địch khó suy lường được. Vậy tôi xin bệ hạ hãy xét kỹ". Nhà vua nói rằng: "Ta mặc áo giáp bền, cầm võ khí sắc, gội gió, tắm mưa, trèo non, lội suối, len lỏi đi sâu vào đất giặc, không ai dám đương đầu với ta. Thế là cái cơ trời giúp ta đó. Huống chi bây giờ vua nước nó sợ bóng sợ gió, chạy trốn xa, không có tinh thần chiến đấu. Việc binh quý hồ lanh chóng, nếu để chậm trễ không tiến quân thì là trời cho mà mình không nhận; rồi ra nếu nó tráo trở, dù có ăn năn thì sự đã rồi! Nhà ngươi thực là kiến thức đàn bà!". Nhà vua liền sai lấy áo đàn bà mặc cho Đỗ Lễ977 . Rồi đoàn

quân cứ nối đuôi nhau như xâu cá mà tiến lên. Giặc nhân cái đà thuận tiện, thình lình đổ ra tập kích, cắt ra từng tốp: Quan quân tan vỡ nặng nề. Nhà vua bị vây hãm, chết tại trận. Bọn đại tướng Đỗ Lễ và Nguyễn Nạp Hoà cùng hành khiển Phạm Huyền Linh đều bị chết cả. Ngự câu vương, tên là Húc, đầu hàng giặc, được giặc gả cho con gái. Đỗ Tử Bình cầm hậu quân, không đến cứu viện. Lê Quý Ly nghe tin bại trận, vội trốn về. Ngày hôm ấy, ở kinh đô đương ban ngày, trời tối sầm lại; chợ búa, hàng quán phải đốt đèn đuốc mà mua bán. Thượng hoàng sai đem chiếc xe tù đi bắt Tử Bình. Khi Tử Bình về qua phủ Thiên Trường, người ta đua nhau chưởi mắng, lấy gạch ngói ném vào xe tù Tử Bình. Thượng hoàng xuống chiếu trị tội hắn, miễn cho tử hình, nhưng phạm tội đồ, bắt đi làm lính.

Lời phê - Tội hai người này978 đáng giết, không dong tha được; thế mà lại còn vẫn dùng979 ! Chính sự nhà Trần không có kỷ cương gì cả, trách nào chẳng bại vong. Lời chua - Thành Chà Bàn: Tức là đô thành của nước Chiêm. Ở huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định bây giờ vẫn còn vết thành cũ.

Thi Nại cảng: Ở địa giới hai thôn Hương Mai và Chánh Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định bây giờ.

Động Ỷ Mang: Bây giờ đổi lại ra sao, không rõ, duy còn Cầu Đá. Ở trên núi về thôn Phú Hoà có một cái đồn xưa, có lẽ đấy là động Ỷ Mang.

Tháng năm, mùa hạ. Hoàng tử Hiện lên ngôi.

Thượng hoàng thấy nhà vua (Duệ Tông) chết vì việc nước, bèn cho con trưởng nhà vua là Kiến Đức đại vương Hiện lên nối ngôi, xưng là Giản Hoàng. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Khâm Minh nhân hiếu hoàng đế (ấy là Đế Hiện).

Tháng 6. Chiêm Thành vào cướp kinh đô.

Hay tin giặc đến, Thượng hoàng sai Cung Chính vương Sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Giặc biết ở đó có phòng bị, bèn từ cửa biển Thần Phù tiến vào, xâm phạm thẳng kinh đô, mặc sức cướp bóc vơ vét. Chúng ở lại một ngày rồi mới rút lui. Khi ra đến cửa biển Đại An, gặp cơn phong ba, chúng chết đuối nhiều lắm.

Lời chua - Cửa biển Đại An: Tên cũ là Đại Nha. Xem Lý Hậu Đế năm thứ 1 (Tb. IV, 13).

Thần Phù: Tên cũ là Thần Đầu. Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 40).

Tháng 9, mùa thu. Lập con gái Thượng hoàng là Thiên Huy công chúa làm hoàng hậu.

Sai thị lang tòa Trung Thư là Trần Đình Thâm sang nhà Minh.

Sau khi lên nối ngôi, nhà vua sai Đình Thâm sang cáo phó với nhà Minh, và nói vua Duệ Tông đi tuần nơi biên giới, bị chết đuối ở biển. Người Minh từ chối không sang viếng, lấy cớ rằng theo Lễ , có ba điều không nên thăm là: vì phạm tội mà chết ở trong ngục (úy), hoặc vì bị đè chẹt mà chết bẹp (áp), hoặc vì ngã xuống nước mà chết đuối (nịch). Đình Thâm tranh luận, cãi rằng: "Người Chiêm chống nghịch, quấy nhiễu nơi biên giới, vua Duệ Tông có công chống ngoại hoạn, cứu nhân dân: vậy sao không nên viếng?". Nhà Minh mới sai sứ sang điếu tang. Bấy giờ nhà Minh đương muốn nhân kẽ hở, tính chuyện xâm nhiễu nước ta. Thái sư Lý Thiện Trường nói rằng: "Thấy em chết vì việc nước, anh lại lập con của em lên ngôi; xem nhân sự [xử tốt với nhau] như thế, thì đủ biết lòng trời [hãy còn tựa nớc người ta]". Do đấy, việc định xâm nhiễu ấy mới thôi.

Mậu Ngọ Trần Đế Hiện, năm Xương Phù thứ 2 (1378). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Tuyển các vệ sĩ cai quản các quân.

Trần Ngoạn quản lĩnh quân Thiên Đinh, Bùi Hấp quản lĩnh quân Thiên Uy, Hoàng Phụng Thế quản lĩnh quân Thánh Dực, Trần Thế Đăng quản lĩnh quân Thần Dực, Bùi Bá Ngang quản lĩnh quân Thần Sách, Nguyễn Kim Ngao quản lĩnh quân Thần Vũ, Trần Trung Hiếu quản lĩnh quân Bảo Tiệp, Trần Bang quản lĩnh quân Long Tiệp. Lê Mật Ôn quản lĩnh quân Hoa Ngạch980 , Đỗ Dã Kha quản lĩnh quân Thị Vệ, Nguyễn Tiểu Luật quản lĩnh quân Thiên Trường. Lại tuyển trong các quân lấy những người khoẻ mạnh, biết võ nghệ, cho vào làm vệ sĩ [ở hoàng thành].

Dùng Nguyễn Bát Sách quản lĩnh quân Thiết Sang, Nguyễn Vân Nhi quản lĩnh quân Thiết Giáp, Nguyễn Hô và Lê Lặc quản lĩnh quân Thiết Liêm, Nguyễn Thánh Du quản lĩnh quân Thiết Hổ, Trần Quốc Hưng quản lĩnh quân Ô Đồ981 .

Tháng 5, mùa hạ. Chiêm Thành lại vào cướp kinh đô. Đại Doãn là Lê Giốc (Giác) chết vì việc nước.

Trước đây, Ngự câu vương Húc đầu hàng Chiêm Thành. Đến đây, người Chiêm đưa Húc về cướp Nghệ An, tiếm xưng tôn hiệu để chiêu dụ nhân dân. Có nhiều kẻ ra nhận ngụy chức. Liền sau đó quân giặc xâm phạm đến Đại Hoàng giang. Nhà vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đi chống giữ, nhưng chống không nổi! Quân giặc bèn xâm phạm kinh đô: cướp của, bắt người, rồi rút về. Kinh Doãn982 Lê Giốc bị giặc bắt, giặc ép phải thụp lạy, nhưng Lê Giốc nói: "Ta đây là một ông quan ở nước lớn, đâu phải lạy mày!". Rồi mắng nó mãi. Giặc giận lắm, giết chết. Nhà vua nghe biết việc này, truy tặng Lê Giốc là Mạ tặc Trung Vũ hầu983 , cho con Giốc là Nhuế làm cận thị chi hậu chánh chưởng.

Lời chua - Lê Giốc: Người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giốc là con Lê Quát.

Tử Bình: Trước bị tội đồ, đến đây đã làm hành khiển. Sử cũ không chép rõ Tử Bình được khai phục quan chức từ ngày nào, đợi sẽ khảo sau.

Đại Hoàng giang: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 11 (Chb. I, 37).

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Bắt đầu đánh thuế đinh.

Theo phép cũ, dân đinh khi đã vào sổ thành số ngạch hẳn hoi rồi, thì sinh thêm không kể, chết đi không trừ. Hạng binh lính thì đời này qua đời khác phải làm lính mãi, không được ra làm quan. Nhân đinh nào có ruộng đất, mới phải nộp tiền, không có ruộng đất thì được miễn. Gặp lúc có việc dấy quân cũng chỉ những người có ruộng bãi dâu, đầm cá thì phải tùy có nhiều hay ít mà nộp tiền, thóc, bạc, lụa để cung cấp cho việc quân. Đến đây việc quân đương tới tấp, kho tàng trống rỗng, Đỗ Tử Bình kiến nghị xin làm theo phép đánh thuế "dung" đời Đường: bắt đinh nam mỗi năm phải nộp ba quan tiền. Từ đó, thuế đinh mới thêm nặng.

Lời chua - Hồi đầu đời Trần, dẫu có thuế đinh, nhưng thực ra chỉ hạng người có ruộng mới phải đóng. Đến đây, không cứ có ruộng hay không, thảy đều phải chịu thuế cả, chỉ binh lính được miễn.

Kỷ Mùi, năm thứ 3 (1379). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 12).

Tháng giêng, mùa xuân. Dùng Lê Quý Ly làm Tư không kiêm chức Xu mật đại sứ.

Quý Ly, khi còn nhỏ, học võ nghệ ở Nguyễn Sư Tề. Nhân thế, Quý Ly tiến cử con Sư Tề là Nguyễn Đa Phương làm tướng quân. Chủ thư thị ngự sử Phạm Cự Luận thường hay vẽ mưu bày kế cho

Quý Ly, cũng được Quý Ly tiến cử làm quyền đô sự. Bấy giờ người ta thường bảo Quý Ly có "Phương viên tá lự"984 .

Lời chua - Phương viên: Chỉ Đa Phương và Cự Luận.

Quyền đô sự: Chưa rõ là chức gì. Có lẽ còn sót chữ chăng.

Mùa hạ. Hạn hán. Đói to.

Tháng 8, mùa thu. Nguyễn Bổ ở Bắc Giang nổi loạn, bị giết chết.

Nguyễn Bổ tự xưng là Đường Lang tử y, mê hoặc người ta bằng phép thuật, rồi tự tiếm hiệu xưng vương. Quan quân bắt được giết chết.

Tháng 8. Đem giấu tiền của ở núi Thiên Kiện và ở tầng dưới tháp Khả Lãng. (Khả Lãng khám ).

Sai quân sĩ vậy tải tiền đồng đem giấu ở núi Thiên Kiện và chứa ở tầng dưới cái tháp ở xã Khả Lãng. Đó vì sợ người Chiêm Thành thường vào cướp bóc.

Lời chua - Núi Thiên Kiện: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chb. X, 17).

Khả Lãng: Tên xã, thuộc phủ Lạng Giang; bây giờ đổi lại ra sao, không rõ.

Khám: Chỗ để chứa đựng. Đây nghĩa là tầng dưới trên nền cái tháp nhà chùa.

Canh Thân, năm thứ 4 (1380). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 13).

Tháng 2, mùa xuân. Chiêm Thành lấn cướp Nghệ An, Thanh Hóa. Tháng 5, mùa hạ. Lê Quý Ly kéo quân đến đánh ở sông Ngu Giang: đánh bại được quân Chiêm.

Người Chiêm dụ dỗ dân ở Tân Bình và Thuận Hoá đến lấn cướp Nghệ An: bắt người đem đi. Rồi lại lấn cướp Thanh Hóa. Thượng hoàng sai Lê Quý Ly quản lĩnh thủy quân, Đỗ Tử Bình quản lĩnh bộ quân đi đánh. Khi đến Ngu Giang, đóng cọc trong sông, cầm cự với quân Chiêm. Quý Ly sai Nguyễn Kim Ngao, tướng Thần Vũ quân, và Đỗ Dã Kha, tướng Thị Vệ quân, ra đánh. Kim Ngao quay thuyền lại để tránh giặc. Quý Ly liền chém Kim Ngao, cho lấy đầu đem rao trong quân. Các quân đánh trống hò reo, tiến lên trước. Chúa Chiêm là Chế Bồng Nga thua trận, trốn về.

Tử Bình từ đó cáo ốm, xin thôi, không giữ binh quyền; duy còn Quý Ly chuyên giữ chức nguyên nhung, làm Hải Tây đô thống chế.

Lời chua - Ngu Giang: Một nhánh sông Mã ở về địa phận huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.

Đạo Hải Tây: Từ thời Trần trở về trước, chưa có tên này. Đến Lê, năm Thuận Thiên thứ 1 (1428) mới đặt Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa làm đạo Hải Tây. E rằng Sử cũ lầm chăng985 .

Tháng 11, mùa đông. Dùng Đỗ Tử Bình làm nhập nội Hành khiển, tả tham tri chính sự, lĩnh chức kinh lược sứ ở Lạng Giang.

Tử Bình là người không học theo chính đạo, chỉ a dua với đời, lại hay bày đặt thuế khóa bắt dân đóng góp nặng để nịnh hót người trên; cho nên được nhà vua tin dùng. Từ khi Tử bình đi đánh Chiêm Thành không nên công trạng gì, xin thôi không giữ binh quyền, đến đây lại có mệnh lệnh cho lên chức này. Chưa bao lâu, Tử Bình mất, được thờ phụ vào văn miếu.

Tân Dậu, năm thứ 5 (1381). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 14). Tháng 3, mùa xuân. Sai thiền sư Đại Than đem các nhà sư đi đánh Chiêm Thành.

Chiêm Thành thường sang xâm lấn quấy nhiễu, binh lực của nhà Trần bấy giờ đã mõi mệt, kiệt quệ. Nhà vua bèn sai thiền sư Đại Than lựa lấy những người khoẻ mạnh trong các nhà sư trong nước và những nhà sư ở rừng núi không có độ điệp986 , tạm làm binh lính để đi đánh giặc.

Lời phê987 - Không sợ làm nhục quốc thể! Lời chua - Đại Than: Tên xã, thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh bây giờ.

Thiền sư: Không rõ tên.

Tháng 5. Dùng Đào Sư Tích làm nhập nội Hành khiển tả ti lang trung, Đào Toàn Bân làm tri Thẩm hình viện sự988 .

Lời chua - Toàn Bân: Cha của Sư Tích.

Tháng 6. Rước thần tượng các lăng về An Sinh.

Rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương, ở Thái Đường, ở Long Hưng, và ở Kiến Xương đưa về An Sinh, cốt để tránh nạn người Chiêm thường sang xâm lấn quấy nhiễu.

Lời chua - Quắc Hương: Bây giờ đổi là xã Thành Thị thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.

Thái Đường: Tên xã, bây giờ thuộc huyện Hưng Nhân, tỉnh Hưng Yên989 .

An Sinh: Tên xã. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (Chb. VI, 18).

Long Hưng, Kiến Xương: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 15 (Chb. VI, 28).

Tháng 10, mùa đông. Bà Gia Từ hoàng hậu Lê Thị mất.

Duệ Tông đi Nam chinh, không trở về; hoàng hậu cắt tóc làm sư ni. Thấy Nghệ Tông lập Đế Hiện lên nối ngôi, hoàng hậu từ chối cho con không được, bèn khóc lóc nói với những người thân tín rằng: "Con tôi kém phúc đức, không cáng đáng được cái ngôi rất quý trọng ấy đâu, chẳng qua chỉ tổ do đấy mà chuốc lấy vạ vào mình! Tiên quân990 đã tạ thế, người vị vong991 này chỉ muốn thác đi cho rồi, chứ chẳng muốn ngó đến việc đời nữa, huống chi lại nỡ nhìn thấy con mình sắp bị nguy hại ư!". Hoàng hậu mất rồi, Đế Hiện rồi cũng bị phế. Người nào nghe biết chuyện này cũng phục bà là người biết trước.

Lời chua - Gia Từ: Là mẹ Đế Hiện. Đế Hiện lên ngôi tới đây đã là 5 năm thế mà vẫn còn xưng mẹ vua là hoàng hậu. Lý do vì sao, không thể biết được, đợi sẽ khảo sau.

Giết Quan Phục Hầu đại vương tên là Húc.

Húc là con của Thượng hoàng.

Lời cẩn án - Sử cũ chép nhà vua dụ Quan Phục Hầu đại vương Húc mà giết chết, và chép liền với sự việc trên (việc Gia Từ mất); nhưng lý do vì sao mà dụ sát thì bỏ qua không chép. Nay xin chép riêng ra một việc, đợi sẽ khảo sau.

Nhâm Tuất, năm thứ 6 (1382). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 15).

Tháng 2, mùa xuân. Chiêm Thành lại vào cướp Thanh Hóa. Quan quân đánh bại được giặc.

Quý Ly đóng ở núi Long Đại, tướng Thần Khôi quân là Nguyễn Đa Phương đem quân thuyền (chu sư) đi giữ những hàng cọc cắm cừ ở cửa biển Thần Đâầu, quân Chiêm thủy bộ đều kéo đến: Bộ binh địch lên chiếm trên núi trước, lấy đá ném xuống, thuyền quân ta bị tổn hại nhiều mà không còn nấp tránh vào đâu. Thủy quân của địch lại đương tiến đến sát gần. Đa Phương không đợi mệnh lệnh của Quý Ly, tự ý cho mở hàng cọc cắm cừ, kéo ra thẳng xông vào quân thủy Chiêm Thành. Thủy quân của địch giở tay không kịp. Các quân của ta nhân đà thắng lợi, đổ xô ra đánh, ném đồ hoả khí vào thuyền giặc, thiêu đốt gần hết. Còn bộ quân của địch thì chạy tản mát vào rừng núi. Quan quân lùng bắt giặc trong núi đến ba ngày. Quân giặc nhiều đứa bị chết đói. Những kẻ còn sót lại thì chạy trốn. Quan quân đuổi đến Nghệ An rồi về. Được tin thắng trận, nhà vua cho Nguyễn Đa Phương làm Kim ngô vệ Đại tướng quân.

Lời chua - Núi Long Đại: Ở địa phận huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa bây giờ.

Thần Đầu: Tên cửa biển. Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 40).

Tháng 7, mùa thu. Có nạn thủy tai lớn.

Tháng 10, mùa đông. Đào mấy con sông ở Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa.

Quý Hợi, năm thứ 7 (1383). (Minh, năm Hồng Vũ thứ 16).

Tháng giêng, mùa xuân. Sai Lê Quý Ly quản lĩnh chu sư đi đánh Chiêm Thành, chưa đến nơi đã quay về.

Quý Ly quản lĩnh các thuyền chiến lớn mới đóng, gồm những hiệu như Diễm Trị992 , Ngọc Đột, Nha Tiệp, kéo đến vũng biển Lại Bộ Nương và eo biển Ô Tôn, bị sóng gió làm thuyền gãy vỡ hư hỏng, bèn rút quân về.

Lời chua - Vũng biển Lại Bộ Nương: Tức là cửa biển Nương Loan bây giờ, ở địa phận huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Eo biển Ô Tôn: Bây giờ là eo Vĩnh Sơn, ở huyện Bình Chánh thuộc tỉnh Quảng Bình giáp với huyện Kỳ Anh (thuộc tỉnh Hà Tĩnh).

Tháng 6, mùa hạ. Chiêm Thành vào cướp phủ Quảng Oai. Nhà vua sai tướng Hoa Ngạch quân là Lê Mật Ôn đi chống giữ, nhưng bị thua. Thượng hoàng phải tránh sang Đông Ngàn.

Chiêm Thành từ đời nhà Lê, nhà Lý trở về trước, quân chúng của họ rất là nhút nhát. Hễ quan quân ta kéo đến thì họ đem cả nhà đi trốn, có khi xúm lại khóc lóc, xin đầu hàng. Kịp khi Chế Bồng Nga lên làm vua, phần thì sinh sôi đông đúc, phần thì được dạy dỗ tôi rèn, dần dần sửa bỏ được những thói dở cũ, quân và dân họ trở thành những người mạnh tợn, chịu đựng gian khổ. Cho nên họ thường sang quấy nhiễu nước ta. Bấy giờ Bồng Nga cùng với tướng nó là La Ngai đem quân đi tắt đường xuyên sơn, đổ ra đóng đồn ở sách Khổng Mục thuộc Quảng Oai. Kinh đô xao xuyến kinh hãi. Thượng hoàng sai Mật Ôn đem quân đi chống giữ. Mật Ôn đến Tam Kỳ châu993 , còn đương bày trận để chống cự, bỗng đâu quân phục của địch nổi dậy, voi trận của địch lồng lên: quan quân ta xô bồ giày đạp lên nhau, thua thiệt nặng nề. Mật Ôn bị giặc bắt. Thượng hoàng nghe tin, sai Nguyễn Đa Phương đem quân dựng hàng rào lũy bằng tre gỗ ở kinh thành, ngày đêm canh giữ. Rồi sai sửa soạn xa giá để sang Đông Ngàn lánh giặc.

Nguyễn Mộng Hoa, là một kẻ sĩ, thấy vậy, mũ áo chỉnh tề, tới bến sông, tay níu thuyền ngự, khấu đầu xin Thượng hoàng ở lại đánh giặc, nhưng Thượng hoàng không nghe.

Lời chua - Quảng Oai: Xem Lý Huệ Tông, năm Kiến Gia thứ 8 (Chb. V, 38-39).

Đông Ngàn: Tức châu Cổ Pháp xưa. Xem Tiền Lê Đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chb. II, 6).

Khổng Mục sách, Tam Kỳ châu: Đều thuộc Quảng Oai. Bây giờ đổi lại ra sao, không rõ.

Tháng 12, mùa đông. Thượng hoàng sang chơi cung Bảo Hòa.

Quân Chiêm Thành đã rút lui. Thượng hoàng sang chơi cung Bảo Hòa, sai bọn Thiêm tri Nội Mật viện sự là Nguyễn Mậu Tiên và Lễ Bộ lang trung là Phan Nghĩa thay đổi phiên nhau túc trực, tới bữa, ban cho ăn, để hỏi han những chuyện cũ, hằng ngày giữ việc ghi chép, biên thành 8 quyển, đặt nhan sách là Bảo Hòa dư bút , bảo Đào Sư Tích đề tựa.

Lời chua - Cung Bảo Hòa: Ở núi Lạn Kha (nay đổi là Phật Tích), huyện Tiên Du994 . Theo sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng đời Minh, nhà Trần có dựng ra Lạn Kha thư viện, dùng danh nho Trần Tôn làm viện trưởng, dạy các sinh đồ. Nhà vua thời thường đến chơi. Vậy cung Bảo Hòa tức là ở đó.